menu search
Đóng menu
Đóng

Lo thiếu hụt điện, Việt Nam dự tính phương án tăng mua điện từ Lào và Trung Quốc

10:02 18/07/2019

Vinanet -Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn điện trong thời gian tới, Bộ Công thương đang tính toán đến việc sẽ tăng nhập khẩu điện từ nước ngoài như Lào, Trung Quốc.
Sẽ tăng mua điện từ Lào, Trung Quốc
Tại cuộc họp về các dự án năng lượng trọng điểm ngày 17/7, ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, cho biết trong 6 tháng đầu năm, điện thương phẩm tăng trưởng gần 10% so cùng kì 2018.
Đặc biệt do ảnh hưởng của nắng nóng, công suất phụ tải trong tháng 4, 5, 6 tăng mạnh. Đối với các tháng còn lại của năm, dự kiến nhu cầu điện tiếp tục tăng khoảng 10% so cùng kì và hệ thống điện đảm bảo cung ứng đủ điện.
Về phát triển năng lượng tái tạo, ông Phương Hoàng Kim cho biết, tổng công suất điện mặt trời theo đề xuất của các nhà đầu tư đã lên đến khoảng 25.000 MW, các dự án điện gió với tổng công suất khoảng 16.500 MW.
Tính đến hết tháng 6, đã có tổng số 89 nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất gần 4.500 MW. Đây là nguồn điện đã bổ sung kịp thời cho hệ thống điện quốc gia để cung cấp điện trong 6 tháng đầu năm 2019.
Tuy nhiên, với hiện trạng cơ sở hạ tầng hiện có, trong một số thời điểm lưới điện 500-220-110kV thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Đăk Nông, Đăk Lăk bị quá tải, ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định.
Mặc dù việc cung cấp điện năm 2020 dự kiến về cơ bản vẫn đáp ứng nhưng tiềm ẩn một số rủi ro với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như: nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, thiếu hụt nguồn nhiên liệu than, khí cho sản xuất điện.
Thời gian Mức thiếu hụt điện
Năm 2021 3,7 tỉ kWh
Năm 2022 10tỉkWh
Năm 2023 12tỉkWh
Năm 2024 7tỉkWh
Năm 2025 3,5tỉkWh
Dự kiến mức thiếu hụt điện giai đoạn 2021-2025. Nguồn: evn.com.vn.
Theo đó, Bộ Công thương cũng tính toán sẽ tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Cụ thể, với nguồn điện nhập khẩu từ Lào, theo thỏa thuận đã ký giữa hai Chính phủ, công suất mua tới năm 2020 khoảng 1.000 MW, tăng lên 3.000 MW vào năm 2025 và khoảng 5.000 MW đến 2030.
Lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc cũng dự kiến tăng từ năm 2021 với mức giá cạnh tranh hơn so với khung giá mua điện từ Lào, và thấp hơn giá trung bình các nhà máy nhiệt điện than (trên 7 cent một kWh).
Chế tài đối với những dự án chậm tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh
Ông Phương Hoàng Kim cho biết hiện nay các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư gồm: (1) các dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là chủ đầu tư; (2) các dự án đầu tư theo hình thức BOT; (3) các dự án đầu tư theo hình thức IPP.
Tuy nhiên, việc thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW có nhiều dự án còn chậm tiến độ.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cùng các đơn vị hữu quan của Bộ thúc đẩy tiến độ các dự án. Đồng thời phải xem lại các chế tài, qui định pháp luật đối với các chủ đầu tư có dự án chậm tiến độ, dẫn đến tình trạng phá vỡ kết cấu của Quy hoạch.
Bộ trưởng nhấn mạnh, phải xác định được hệ lụy của các dự án này đối với ngành điện, xác định nguyên nhân, hậu quả, qui trách nhiệm cho từng cá nhân, cơ quan, đơn vị.
Nguồn: Như Huỳnh/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng