menu search
Đóng menu
Đóng

Những sự kiện nổi bật trên thị trường Năng lượng Quốc tế từ 23/8 - 28/8

16:25 29/08/2021

Gã khổng lồ vận tải biển Maersk hướng tới việc "xanh hóa" đội tàu; Ấn Độ xây mới bến nhập khẩu LNG; tập đoàn Sinopec của Trung Quốc vừa phát hiện một mỏ dầu mới ở Tân Cương... là những điểm nhấn nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng quốc tế tuần qua.
1. Gã khổng lồ vận tải biển Maersk vừa thực hiện bước tiến lớn, hướng tới việc "xanh hóa" đội tàu của mình bằng cách mua 8 tàu chở dầu mới chạy bằng methanol carbon trung tính.
Mỗi tàu do Hyundai Heavy Industries đóng, sẽ có thể chở 16.000 container.
Khi hạ thủy vào đầu năm 2024, chúng sẽ giúp hạn chế được 1 triệu tấn carbon dioxide (CO2) mỗi năm, công ty vận tải biển lớn nhất thế giới cho biết.
2. Ấn Độ đang có kế hoạch mở rộng công suất nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG lên 12% bằng cách xây dựng một bến nhập khẩu mới ở bang phía tây Gujarat.
Theo Reuters, công trình này sẽ hoạt động vào năm tới và nâng tổng công suất nhập khẩu LNG của Ấn Độ lên 47,5 triệu tấn mỗi năm.
3. Tập đoàn dầu khí nhà nước Sinopec của Trung Quốc đã phát hiện một mỏ dầu mới ở Tân Cương với trữ lượng ước tính khoảng 100 triệu tấn.
Mỏ mới nằm trong khu vực sản xuất ở lưu vực Tarim. Đây cũng là khu vực có mỏ Shunbei, nơi sản xuất khoảng 1 triệu tấn dầu thô vào năm ngoái, tăng 30% so với năm trước và 50 triệu m3 khí đốt, tăng 32% so với năm ngoái.
4. Các công ty năng lượng của Mỹ ngày 26/8 đã bắt đầu sơ tán công nhân từ các giàn khoan dầu ở Vịnh Mexico và di chuyển các tàu trước dự báo sẽ có một cơn bão mạnh xuất hiện tại khu vực vào cuối tuần.
Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết Ida dự kiến sẽ tấn công bờ biển vùng Vịnh miền Trung. Cơn bão cấp 3 này có thể đổ bộ vào đất liền với sức gió lên tới 111 dặm (178 km) mỗi giờ.
Các nhà đầu tư cho biết, giá xăng ở Bờ Vịnh Mỹ đã tăng trong hai phiên giao dịch vừa qua do lo ngại về cơn bão.
5. Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ nhà cung cấp giải pháp Kpler cho thấy, lượng dầu được lưu giữ trong kho nổi ở các cảng châu Á đang tăng lên.
Tình trạng dư cung diễn ra sau khi nhà chức trách Trung Quốc quyết định siết chặt hạn ngạch nhập khẩu dầu thô trong khu vực lọc dầu tư nhân.
62 triệu thùng dầu thô ở các cảng châu Á được cho là sẽ gặp khó trong việc tìm bến đỗ.
6. Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây nói rằng, châu Âu sẽ không còn cần khí đốt của Nga trong 25 năm tới, do hướng tới sự trung lập về khí hậu, hoặc có lượng khí thải carbon bằng không vào năm 2050.
Nhà lãnh đạo nước Đức cũng đảm bảo rằng Nga sẽ tiếp tục vận chuyển khí đốt tự nhiên qua Ukraine ngay cả sau khi Nord Stream-2 đi vào hoạt động.

Nguồn:Bình An/Tạp chí điện tử Petrotimes

Link gốc