menu search
Đóng menu
Đóng

OPEC giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2022

09:22 13/05/2022

OPEC hôm thứ Năm (12/5) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2022 trong tháng thứ hai liên tiếp, với lý do xung đột giữa Nga và Ukraine, lạm phát gia tăng và bùng phát trở lại dịch covid-19 ở Trung Quốc.
 
- Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2022 ở mức 310.000 thùng/ngày
- Cắt giảm dự báo sản lượng năm 2022 của Nga
- Sản lượng tháng 4 của OPEC tăng 153.000 thùng/ngày
Trong một báo cáo hàng tháng, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu thế giới sẽ tăng 3,36 triệu thùng/ngày (bpd) vào năm 2022, giảm 310.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu trong thời gian ngắn lên trên 139 USD/thùng vào tháng 3, mức cao nhất kể từ năm 2008, làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát. OPEC đã trích dẫn rằng Trung Quốc, với việc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại do COVID, đang phải đối mặt với việc nhu cầu dầu giảm mạnh nhất kể từ năm 2020.
OPEC cho biết trong báo cáo: “Nhu cầu vào năm 2022 dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, cũng như các hạn chế về đại dịch COVID-19”.
Tuy nhiên, OPEC dự kiến mức tiêu thụ thế giới sẽ vượt qua mốc 100 triệu thùng/ngày trong quý 3 và mức trung bình hàng năm vào năm 2022 sẽ chỉ vượt quá mức trước đại dịch 2019.
OPEC trích dẫn lạm phát gia tăng và tiếp tục thắt chặt tiền tệ, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay từ 3,9% xuống 3,5%, thêm vào đó là tiềm năng tăng trưởng là "khá hạn chế".
Báo cáo cho thấy sản lượng của OPEC trong tháng 4 đã tăng 153.000 thùng/ngày lên 28,65 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức tăng 254.000 thùng/ngày mà OPEC được phép theo thỏa thuận OPEC +.
Dự báo tăng trưởng đối với nguồn cung ngoài OPEC vào năm 2022 giảm 300.000 thùng/ngày xuống 2,4 triệu thùng/ngày. OPEC cắt giảm dự báo sản lượng của Nga xuống 360.000 thùng/ngày và giữ nguyên ước tính tăng trưởng sản lượng của Mỹ.
OPEC dự kiến nguồn cung dầu của Mỹ sẽ tăng 880.000 thùng/ngày vào năm 2022, không thay đổi so với tháng trước, mặc dù họ cho biết có khả năng mở rộng thêm vào cuối năm nay.

Giá xăng dầu đã tăng khoảng hơn 20% kể từ khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Tính từ đầu năm 2022, giá xăng dầu đã tăng khoảng hơn 40%.

Giá dầu thế giới tăng nhờ sự lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi đáng kể sau những tín hiệu tích cực rằng đại dịch COVID-19 đang suy yếu ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nước này.

Giá dầu cũng được hỗ trợ khi các nhà ngoại giao và quan chức Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự lạc quan đạt được một thỏa thuận cấm vận từng giai đoạn đối với dầu của Nga, bất chấp những lo ngại về nguồn cung ở Đông Âu.

Hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) đưa tin Mỹ có thể nới lỏng một số lệnh trừng phạt đối với Venezuela, làm tăng hy vọng rằng thị trường sẽ sớm có thêm nguồn năng lượng bổ sung.

 

Nguồn:VITIC/Reuter