Giám đốc điều hành Aramco, Amin Nasser, cho biết ông “rất lạc quan về nhu cầu” và thị trường đã phản ứng quá mức với virus Omicron.
Theo đó, giá tất cả các hợp đồng dầu thô kỳ hạn tháng 1/2022 bán cho châu Á và Mỹ đều được điều chỉnh tăng, với giá dầu nhẹ Arab Light bán sang châu Á được điều chỉnh tăng thêm 60 US cent so với tháng 12/2021, lên cộng 3,03 USD so với giá tham chiếu. Động thái của Saudi Arabia diễn ra vài ngày sau khi OPEC và các đồng minh - nhóm gồm 23 quốc gia do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu, cho thấy sự lạc quan từ phía ban lãnh đạo của công ty.
Ngày 2/12, OPEC + đã quyết định tăng thêm cung dầu trong tháng tới, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng đe dọa làm suy giảm nhu cầu, trong bối cảnh chính liên minh này dự đoan thị trường dầu sẽ chuyển từ thiếu cung sang dư cung 3 triệu thùng vào quý I năm 2022.
Giá dầu giảm gần đây chủ yếu là do sự xuất hiện của Omicron - biến thể mới nhất của virus SARS-CoV-2 vốn được cho là dễ lây lan nhanh hơn - có thể khiến hoạt động đi lại sụt giảm và số ca mắc tại các nước châu Âu liên tục lập kỷ lục mới.
Giá dầu thô Brent đã giảm 15% kể từ cuối tháng 11 xuống chỉ dưới 70 đô la/thùng, kéo mức tăng giá dầu Brent từ đầu năm đến nay giảm còn 35%.
Giá dầu giảm cũng bởi dự đoán OPEC+ sẽ tăng sản lượng, các nhà nhập khẩu dầu lớn như Mỹ cùng một loạt quốc gia có nhu cầu năng lượng cao như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ mở kho dự trữ dầu chiến lược nhằm hạ nhiệt giá dầu và khả năng Iran trở lại thị trường dầu mỏ.
Các nhà phân tích cho rằng, tác động của biến thể Omicron dường như chỉ liên quan đến nhiên liệu máy bay, đặc biệt là ở châu Phi và châu Âu, giữa lúc nhiều quốc gia không cho phép nhập cảnh du khách đến từ miền Nam châu Phi và một số quốc gia châu Âu áp đặt các hạn chế mới để phòng chống dịch COVID-19. Cũng theo báo cáo này, nhu cầu nhiên liệu trong ngành vận tải ở châu Âu cũng có thể bị ảnh hưởng.
Châu Á chiếm hơn 60% lượng dầu thô xuất khẩu của Saudi Arabia, trong đó Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là những khách hàng nhất. Giá bán chính thức của Aramco, hay còn gọi là OSP, đóng vai trò hỗ trợ cho thị trường dầu mỏ và thường dẫn đầu xu hướng định giá trong khu vực. Hầu hết các quốc gia Trung Đông đặt giá hàng tháng bằng cách cộng hoặc trừ so với giá hợp đồng dầu mỏ tham chiếu thế giới.
Do giá dầu gần đây lao dốc vì sự xuất hiện của virus Omicron, một khi giới hoa học đã hiểu rõ về virus này và nếu Omicron không đáng sợ như thị trường đang lo ngại thì giá dầu thế giới sẽ nhanh chóng đảo chiều tăng trở lại, trong bối cảnh hầu hết các nước đang thực hiện tái mở cửa và phục hồi kinh tế, cùng với tỷ lệ tiêm chủng không ngừng tăng.
Bên cạnh đó, OPEC+ nhận định rằng ngay cả khi Mỹ tiếp tục xuất kho dầu dự trữ chiến lược, thì động thái chưa từng có tiền lệ này chỉ mang tính nhất thời, không tác động đáng kể đến nguồn cung cũng như giá dầu hiện nay. Bằng chứng là giá dầu mỏ vẫn ở mức cao sau thông tin Mỹ xuất kho dự trữ.
Trong báo cáo công bố hồi trung tuần tháng 11, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ, theo đó trong các năm 2021 và 2022, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng thêm lần lượt là 5,5 triệu thùng/ngày và 3,4 triệu thùng/ngày. IEA cho rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang tăng mạnh do tốc độ tiêu thụ khí đốt tăng và hoạt động di chuyển quốc tế nhộn nhịp trở lại khi ngày càng nhiều nước mở cửa biên giới sau thời gian hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh, song làn sóng dịch bệnh mới tại châu Âu, các hoạt động sản xuất công nghiệp chậm lại và giá dầu mỏ cao hơn có thể sẽ kìm hãm đà tăng trên.
Mức cộng giá dầu xuất khẩu của Saudi Arabia
Nguồn:Vinanet/VITIC (Theo Reuters)