menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường khí Châu Âu béo bở, đẩy cạnh tranh cao

13:03 01/09/2021

Vị thế độc quyền xuất khẩu khí đốt đường ống Gazprom một lần nữa bị Rosneft tấn công. 
CEO Rosneft Igor Sechin ngày 26/08 đã có thư gửi Tổng thống LB Nga V. Putin đề nghị cho phép công ty được xuất khẩu 10 tỷ m3 khí đốt/năm sang thị trường châu Âu. Theo các nguồn tin thì Rosneft sẽ cấp khí cho các khách hàng mới, không trùng lặp với Gazprom, và thông qua hợp đồng đồng đại lý với Gazprom.
Đề xuất của Rosneft đưa ra trong bối cảnh giá khí châu Âu tăng chưa từng thấy, sàn TTF vượt mốc 580 USD/1000m3 và Gazprom đang phải đối mặt với căng thẳng nguồn cung sau sự cố tại nhà máy chế biến khí Urengoy ngày 05/08.
Theo đánh giá giới chuyên môn trong ngành, hiện Gazprom khó có đủ khí đốt nhàn rỗi phục vụ mục đích bơm đầy 2 nhánh đường ống Nord Stream 2 sắp hoàn thành (1,3 tỷ m3/nhánh).
Trong khi đó, Rosneft sẵn sàng nộp thuế khai thác tài nguyên (NDPI) cao gấp 3,5 lần Gazprom trên cơ sở giá khí thực tế thị trường châu Âu, thay vì công thức tính theo giá dầu thế giới đang áp dụng đối với Gazprom, không kể đến 70% hợp đồng đang được tính theo giá kỳ hạn các sàn giao dịch châu Âu. Theo tính toán của Rosneft, với giá khí hiện nay, công ty sẽ nộp ngân sách 5.000 rúp/1000m3 (67,6 USD) thuế NDPI so với 17,6 USD Gazprom đang nộp. Như vậy, nguồn thu ngân sách bổ sung có thể lên tới 500 triệu USD/năm, triển vọng đạt 2 tỷ USD/năm trong tương lai, nếu được chấp thuận xuất khẩu.
Cơ sở để cho phép Rosneft tăng sản lượng khai thác khí đốt thêm 10 tỷ m3/năm là Rosneft có kế hoạch đưa vào khai thác thương mại giai đoạn 2 dự án Rospan vào cuối năm nay, cũng như mỏ Kharampurskoye trong năm 2022.
Nếu lần này được tiếp cận thị trường xuất khẩu qua đường ống cùng Gazprom, Rosneft có thể tăng đáng kể hiệu suất lợi nhuận mảng sản xuất khí đốt Lợi nhuận biên xuất khẩu sang châu Âu sau khi trừ thuế (NDPI và thuế xuất khẩu), chi phí vận chuyển rơi vào khoảng 13.700 rúp/1000m3 (185 USD), cao gần gấp 4 lần so với giá bán bình quân tại thị trường nội địa – 49,2 USD/1000m3.

Nguồn:Viễn Đông/Tạp chí điện tử Petrotimes

Link gốc