menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Quốc lần đầu tiên thông báo can thiệp vào thị trường dầu mỏ

09:05 11/09/2021

Trong thông báo phát đi cuối chiều thứ Năm (9/9), Tổng cục Dự trữ hàng chiến lược và thực phẩm quốc gia Trung Quốc (NFSRA) thông báo đã xuất kho dầu dự trữ chiến lược quốc gia nhằm hạ giá loại năng lượng này.
 
Động thái được được thực hiện trong bối cảnh chi phí nhiên liệu tại nước này tăng cao thời gian gần đây, không chỉ là giá dầu mỏ, mà còn cả than đá và khí đốt. Cùng lúc, thiếu hụt điện năng tại một số tỉnh cũng đã khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm sản lượng, thu hẹp sản xuất.
NFSRA cho biết nước này đã tận dụng nguồn dầu dự trữ của mình để “giảm bớt áp lực giá nguyên liệu tăng”. Thông báo không đưa ra các chi tiết cụ thể hơn, nhưng một số nguồn thạo tin cho biết thông báo đề cập đến hàng triệu thùng dầu mà Chính phủ đã cung cấp ra thị trường vào giữa tháng 7.
Lạm phát tại nước này cũng đang tăng nhanh – là một vấn đề mang tính chính trị gây “đau đầu” cho các nhà lãnh đạo nước này.
NFSRA cho biết việc “bình thường hóa” luân chuyển dầu thô dự trữ của Nhà nước là “một biện páp quan trọng nhằm bình ổn thị trường”, cho thấy họ có thể tiếp tục sẽ xuất thêm dầu dự trữ nữa ra thị trường.
Theo NFSRA, việc bán dầu dự trữ quốc gia ra thị trường thông qua đấu thầu rộng rãi “sẽ giúp cho cung - cầu trên thị trường trong nước ổn định hơn”.
Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Trong thập kỷ vừa qua, nước này đã xây dựng được những kho dự trữ hàng hóa khổng lồ. Những kho dự trữ chiến lược của Trung Quốc, được gọi là SPR, có mục đích khác so với các kho dự trữ ở Mỹ và Châu Âu – chỉ được sử dụng trong thời gian nguồn cung cấp bị ngừng lại hoặc trong chiến tranh. Còn Trung Quốc đang đánh tín hiệu rằng họ sẵn sàng sử dụng hàng dự trữ của mình với mục đích tác động đến thị trường (làm giảm giá dầu).
Bob McNally - cựu cố vấn chính sách cấp cao của Nhà Trắng và là người hiện đang điều hành Rapidan Energy Group, một công ty tư vấn ở Washington - cho biết: “Đó là một tuyên bố khá rõ ràng về ý định sử dụng SPR để giảm giá dầu cho các nhà máy lọc dầu trong nước”.
Tuyên bố của Trung Quốc về việc can thiệp vào thị trường dầu được đưa ra sau khi lạm phát tại cửa nhà máy (FGI) của Trung Quốc tăng nhanh lên mức cao nhất trong vòng 13 năm và chỉ một tháng sau khi Nhà Trắng công khai đề nghị Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu thô ra thị trường trong bối cảnh giá xăng ở Mỹ tăng mạnh. Việc cả Mỹ và Trung Quốc cùng hành động trong một thời điểm với mục đích giống nhau cho thấy hai quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này đều coi ngưỡng 70 - 75 USD/thùng là giới hạn đỏ đối với giá dầu.
Việc cả Bắc Kinh và Washington cùng hành động trong một thời điểm với mục đích giống nhau cho thấy hai quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này đều coi ngưỡng 70 - 75 USD/thùng là lằn ranh đỏ đối với giá dầu.
Bão Ida cũng đã làm sụt giảm nghiêm trọng sản lượng dầu thô của Mỹ do hàng loạt cơ sở sản xuất ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cho Unipec của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã bán các mặt hàng khác từ nguồn dự trữ chiến lược của mình, bao gồm đồng, nhôm và ngũ cốc nhằm hạ nhiệt giá nguyên liệu đang tăng nóng.
Lạm phát giá sản xuất của nước này trong tháng 8/2021 đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm, khi giá cả tiếp tục tăng dù chính phủ nước này đã có các giải pháp nhằm hạ nhiệt.Theo đó, chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) tăng 9,5% trong tháng vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái, mạnh hơn mức dự báo tăng 9% theo khảo sát của Reuters và cũng cao hơn mức tăng 9% trong tháng 7. Mức tăng 9,5% là mạnh nhất kể từ tháng 8/2008.
Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết PPI tăng mạnh là do giá các nguyên liệu sản xuất than, hóa chất và kim loại tăng mạnh. Việc giá hàng hóa tăng mạnh trong những tháng gần đây ảnh hưởng tới sản xuất tại các nhà máy và đe dọa cản trở sự hồi phục kinh tế.
Trong khi nhập khẩu nhiều nguyên liệu đang có xu hướng giảm thì nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc vẫn tăng nhanh do các nhà máy lọc dầu đang tăng tốc độ vận hành để đáp ứng nhu cầu dầu nhiên liệu tăng cao. Nhập khẩu dầu thô tăng nhưng xuất khẩu các sản phẩm dầu lọc của Trung Quốc trong tháng 8 ở mức 3,73 triệu tấn, giảm so với 4,64 triệu tấn trong tháng 7, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2020, do nhu cầu trong nước mạnh.
Các nhà máy lọc dầu độc lập ở Sơn Đông đã tăng tỷ lệ hoạt động của họ lên 66,25% vào cuối tháng 8 từ mức 62,3% vào giữa tháng 8.
Số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, nước này đã tăng nhập khẩu dầu thô thêm 8% trong tháng 8/2021 so với tháng 7/2021, lên 44,53 triệu tấn, tương đương 10,49 triệu thùng/ngày (bpd), tăng so với 9,71 triệu thùng/ngày nhập khẩu trong tháng 7, nhưng vẫn thấp hơn mức 11,18 triệu thùng/ngày nhập khẩu vào tháng 8/2020.

Nguồn:Bloomberg