menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Quốc tăng tốc đầu tư dầu khí vì lo ngại an ninh năng lượng

07:51 07/04/2019

Một nhà máy hóa lọc dầu của Sinopec ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: AP

Vinanet -Lo ngại chiến tranh thương mại kéo dài có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, ba tập đoàn dầu khí nhà nước khổng lồ của Trung Quốc quyết định đẩy mạnh đầu tư trong và ngoài nước trong năm nay với mục tiêu tăng sản lượng dầu khí.
Giá dầu thô đạt mức trung bình 68 đô la/thùng trong năm ngoái so với mức 50 đô la/thùng vào năm 2017, giúp lợi nhuận của ba tập đoàn trên khởi sắc. Dù đang nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng để đề phòng trường hợp quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Washington không thể cải thiện tuy nhưng mục tiêu đảm bảo an toàn, chủ động trong vấn đề năng lượng chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn bởi trong năm 2018, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nước ngoài 70% nhu cầu dầu thô và 45% nhu cầu khí đốt.Theo các thông tin công bố gần đây, Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc (PetroChina), Tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) và Tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc (Sinopec) sẽ đầu tư tổng cộng 500 tỉ nhân dân tệ (74,4 tỉ đô la Mỹ) trong năm 2019, tăng gần 20% so với năm trước. Đây cũng là mức đầu tư cao nhất trong năm năm qua của ba tập đoàn này.
Các sản phẩm năng lượng bao gồm khí đốt là một trong những trọng điểm trong các cuộc đàm phán giải quyết các bất đồng thương mại hiện nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mỹ muốn Trung Quốc tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, trong khi đó, Trung Quốc hy vọng sẽ mua được hàng hóa năng lượng của Mỹ với giá rẻ để phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng ở trong nước. Song Mỹ cũng đang lo ngại về các năng lực quân sự và công nghệ của Trung Quốc.
Các nhà quan sát ở Trung Quốc dự báo xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ kéo dài trong một thời gian nữa. Trong khi đó, Washington sẵn sàng tung các đòn trừng phạt nhằm vào các công ty Trung Quốc nếu cần thiết. Chẳng hạn vào năm ngoái, Mỹ ra lệnh cấm bán các linh kiện công nghệ bao gồm các sản phẩm chip cho tập đoàn thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc, ZTE, khiến tập đoàn này đứng bên bờ vực sụp đổ.
Giữa bầu không khí căng thẳng do sức ép trừng phạt từ phía Washington, Bắc Kinh muốn củng cố an ninh năng lượng bằng cách đa đạng hóa nguồn cung. Đó là lý do khiến các tập đoàn dầu khí hàng đầu Trung Quốc tăng tốc đầu tư trong năm 2019.
Hôm 21-3, ông Wang Yilin, Chủ tịch PetroChina, cho biết tập đoàn này sẽ đầu tư mạnh mẽ hơn để tăng sản lượng dầu khí nhanh hơn và ổn định hơn. Năm ngoái, PetroChina chứng kiến doanh thu tăng 16,8% lên mức 2.350 tỉ nhân nhân dân tệ và lợi nhuận ròng tăng 130%, đạt mức 52,2 tỉ nhân dân tệ. PetroChina cho biết sẽ đầu tư 300 tỉ nhân dân tệ trong năm nay, tăng 17,4% so với năm ngoái.
Gần 80% giá trị đầu tư này sẽ phân bổ cho các hoạt động phát triển các mỏ dầu khí. PetroChina sẽ tập trung vào khí đốt vì chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi sử dụng than sang khí đốt để giảm ô nhiễm môi trường.
CNOOC, nhà sản xuất dầu thô và các sản phẩm xăng dầu lớn thứ hai Trung Quốc, cũng quyết định mở rộng đầu tư trong năm nay lên mức 70-80 tỉ nhân dân tệ, tập trung vào các hoạt động thăm dò, phát triển và khai thác các mỏ dầu.
Nhân viên an ninh đứng canh gác ở các bồn dầu khổng lồ ở Căn cứ dự trữ dầu quốc gia ở Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Getty
Trong khi đó, Sinopec đặt mục tiêu tăng đầu tư 16% lên mức 136,3 tỉ nhân dân tệ trong năm 2019. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Nhật báo dầu mỏ Trung Quốc hồi đầu tháng 3, ông Wang Yilin nói: “Vì năng lượng là mạch máu của nền kinh tế nên PetroChina, với tư cách là công ty quan trọng của nhà nước và là nhà cung cấp dầu khí lớn nhất nước, phải thực hiện nhiệm vụ chính trị: nâng cao an ninh năng lượng quốc gia bằng chiến lược phát triển nguồn lực vững chắc”.
Dù sự phụ thuộc của Trung Quốc vào năng lượng nhập khẩu tăng nhanh nhưng ít có dấu hiện cho thấy xu thế này đảo chiều. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo nhập khẩu sẽ đóng góp 72% nhu cầu dầu thô của nước này trong năm nay và con số này sẽ tiếp tục tăng lên mức 76% vào năm 2024. Lý do là sản lượng dầu thô được dự báo giảm hơn 5% nhưng nhu cầu lại tăng 10% trong giai đoạn từ nay đến năm 2024.
Về dài hạn, IEA dự báo dầu thô nhập khẩu sẽ chiếm đến 82% nhu cầu dầu thô Trung Quốc vào năm 2040.
Dù các tập đoàn dầu khí Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư nhưng dường như có ít niềm tin tình hình sẽ được cải thiện nhờ chi tiêu cho các hoạt động thăm dò.
Edward Chow, nhà nghiên cứu cấp cao về an ninh quốc gia và năng lượng ở Trung tâm nghiên cứu quốc tế chiến lược (CSIS), có trụ sở ở Washington, nói: “Tôi không thấy bất cứ lý do nào để lạc quan về khả năng phát hiện các trữ lượng dầu mới ở Trung Quốc”.
IEA dự báo đến năm 2040 có 54% nhu cầu khí đốt của Trung Quốc phụ thuộc vào nước ngoài nhưng với tốc độ tăng trưởng nhu cầu nhanh như hiện nay, con số này có thể đến sớm hơn.
“Rõ ràng Trung Quốc đã không thành công trong nỗ lực kìm hãm xu hướng phụ thuộc nguồn dầu thô nhập khẩu giờ đây đã lan sang khí đốt”, ông Edward Chow nói và cảnh báo rằng thiếu các đột phá công nghệ trong hoạt động sản xuất năng lượng trong nước hay giảm nhu cầu năng lượng sẽ dẫn đến các hệ lụy về an ninh năng lượng cũng như chính sách ngoại giao, quốc phòng của Trung Quốc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Hoàn cầu thời báo mới đây, ông Lin Boqiang, hiệu trưởng Viện Nghiên cứu chính sách năng lượng của Đại học Hạ Môn (Trung Quốc), nói rằng chính phủ Trung Quốc phải nhận thức được rằng mức phụ thuộc quá cao vào dầu thô nhập khẩu là một nguồn rủi ro rất nguy hiểm.
Ông không hy vọng nhiều về triển vọng tăng sản lượng dầu thô ở trong nước, thay vào đó, ông kêu gọi gia tăng lượng dầu trong kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của nước này. Theo ông, dầu thô dự trữ của Trung Quốc chỉ thay thế được lượng dầu nhập khẩu trong vòng 40-50 ngày trong trường hợp nguồn cung nước ngoài bị gián đoạn.
Chánh Tài
Thời báo Kinh tế Sài Gòn