menu search
Đóng menu
Đóng

TT khí gas tuần đến 27/9: Giá thế giới giảm, trong nước ổn định

11:00 29/09/2019

Vinanet -Thị trường khí gas tuần qua, giá khí trong nước sau khi điều chỉnh giảm hôm 1/9 đến nay vẫn giữ nguyên cho đến khi có thông báo mới. Trên thế giới, giá gas biến động xu hướng giảm mặc dù nhu cầu tiêu thụ khí gas tự nhiên của Mỹ không thay đổi nhiều trong tuần gần nhất.
 
Tại thị trường thế giới, phiên đầu tuần giá gas tiếp đà giảm sâu do tồn kho gas Mỹ tăng. Cụ thể, phiên giao dịch ngày 23/9, giá gas giảm 1,17% xuống 2,52 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 10 vào lúc 7h34 (giờ Việt Nam). Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tính đến ngày 13/9, tổng lượng tồn kho khí gas tự nhiên Mỹ đạt 3.103 Bcf, tăng 393 Bcf so với cùng kì năm ngoái và giảm 75 Bcf so với mức trung bình 5 năm là 3.178 Bcf.
Cũng theo EIA, tỉ lệ bơm ròng vào kho lưu trữ cao hơn 28% so với mức trung bình 5 năm tính đến thời điểm hiện tại. EIA ước tính nếu tỉ lệ bơm vào kho lưu trữ khớp với mức trung bình 5 năm là 10,7 Bcf/ngày, tổng hàng tồn kho sẽ là 3.617 Bcf vào ngày 31/10, thấp hơn 75 Bcf so với trung bình 5 năm là 3,692 Bcf, theo FXempire.
Thị trường khí gas được cải thiện và tăng trở lại sau chuỗi ngày liên tiếp giảm mặc dù nhu cầu tiêu thụ khí gas tự nhiên của Mỹ không thay đổi nhiều trong tuần gần nhất. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 25/9 giá tăng 0,24% lên 2,53 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 10 vào lúc 9h06 (giờ Việt Nam). Tổng lượng tiêu thụ cho sản xuất điện giảm 5% hàng tuần. Lượng tiêu thụ ở khu vực công nghiệp giảm 1%, khu vực dân cư và thương mại giảm 1%. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Mexico giảm 1%. Tuy nhiên, thời tiết dự kiến sẽ nóng hơn nhiều so với bình thường trong 6 đến 10 hoặc 8 đến 14 ngày tới theo báo cáo mới nhất từ Cơ quan Quản lý Khí quyển Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), qua đó có thể làm tăng nhu cầu làm mát trong thời gian tới.
Tuy nhiên, mức tăng này không bền vững giá khí gas đã quay đầu giảm trở lại sau khi đi ngang phiên trước đó do tồn kho khí gas tự nhiên Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến. Theo đó, phiên giao dịch ngày 27/9 giá khí giảm 0,20% xuống còn 2,45 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 11 vào lúc 10h15 (giờ Việt Nam).
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo tồn kho khí gas tự nhiên Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến. Tính đến ngày 20/9, tổng lượng tồn kho gas Mỹ đạt 3.205 Bcf, tăng 102 Bcf so với tuần trước trong khi tồn kho gas được kì vọng tăng 85 Bcf, theo FXempire.
Ở mức 3.205 Bcf, tồn kho gas tăng 444 Bcf so với cùng kì năm ngoái và giảm 47 Bcf so với mức trung bình 5 năm là 3.252 Bcf.
Ngoài ra, thời tiết dự kiến sẽ nóng hơn nhiều so với bình thường trong 6 - 10 ngày tới, nhưng sau đó sẽ chuyển sang mát mẻ hơn, làm giảm nhu cầu tiêu thụ, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).
Tại thị trường nội địa, ngày 1/9 Công ty PV Gas South Miền Đông điều chỉnh giá bán gas PetroVietnam Gas giảm 3.000 đồng/bình 12 kg. Như vậy, giá bán lẻ tối đa sẽ ở mức 293.000 đồng/bình 12 kg.
Các công ty Gas Pacific Petro, City Gas, EFF Gas cũng báo giảm 3.000 đồng/bình 12 kg, với giá bán lẻ đến người tiêu dùng không vượt quá 300.000 đồng/bình 12 kg.
Petrolimex Gas SaiGon cũng giảm 3.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ đến người tiêu dùng tại TP HCM là 303.500 đồng/bình 12 kg.
Nguyên nhân, giá gas điều chỉnh giảm bởi giá gas thế giới tháng 9 giảm 10 USD/tấn so với tháng 8 xuống 350 USD/tấn.
Mặc dù vậy, với chi phí tăng cao như chi phí mua hàng tăng 20 USD nếu cộng thêm chi phí này có thể mức giảm giá sẽ thấp hơn hoặc không giảm giá, nhưng vì thị trường đang rất cạnh tranh nên hầu như các công ty "chấp nhận" để giảm giá cho người tiêu dùng.
Dẫn nguồn Petro Times, Mỹ sẽ vượt Nga trên thị trường LNG. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington dự đoán Mỹ trong 10 năm tới sẽ tăng gấp 5 lần sản lượng LNG và sẽ chiếm lĩnh vị trí thứ 2 sau Qatar, đẩy Nga xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng các cường quốc LNG.
Vào năm 2028, sẽ chỉ còn lại 3 quốc gia xuất khẩu LNG lớn trên thị trường thế giới cạnh tranh với nhau. Từ nay đến năm 2028, Qatar vẫn sẽ là quốc gia xuất khẩu LNG số 1, tăng 1,5 lần sản lượng lên 150 tỷ m3 (109 triệu tấn).
Mỹ hiện đang đứng ngoài top 5 sẽ tăng sản lượng gấp 5 lần lên 140 tỷ m3 (101 triệu tấn). Nga sẽ chỉ tăng được sản lượng gấp 2,7 lần lên 68 tỷ m3 (50 triệu tấn). Các nước sản xuất LNG khác như Úc, Na Uy và Canada đến năm 2028 sẽ chỉ là những nhà cung cấp khu vực.
Sơ đồ xuất khẩu khí trên thế giới 10 năm tới của Nga, Mỹ và Qatar

Tuy nhiên, theo dự báo của Bộ Năng lượng, Nga sẽ tăng gấp 3 sản lượng LNG lên 47,9 triệu tấn chỉ trong vòng 5 năm - vào năm 2024.
Nga sẽ hướng tới mục tiêu chiếm 20% thị phần LNG toàn cầu vào năm 2030 với tổng sản lượng lên tới 120-140 triệu tấn/năm, trong đó chỉ riêng Novatek đã có kế hoạch sản xuất 55-60 triệu tấn.
Đáng chú ý, rủi ro chính cho sự phát triển ngành LNG của Nga là các lệnh trừng phạt của phương Tây - hạn chế công nghệ và vốn. Ngoài ra, một số cổ đông nước ngoài trong các dự án LNG tại Nga có thể đối mặt với vấn đề xung đột lợi ích công ty mẹ.
Nguồn: VITIC