Lúc 7h57 GMT ngày 6/1 (đầu giờ chiều giờ VN), giá dầu thô Brent tăng 0,9% lên 54,09 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 26/2/2020; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,6% lên 50,24 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ ngày 26/2/2020.
Phiên liền trước, 2 loại dầu này kết thúc ở mức tăng lần lượt 4,9% và 4,6%.
Các nước sản xuất dầu mỏ đang nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lây lan nhanh chóng khiến nhu cầu xăng dầu bị ảnh hưởng.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, trong cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) hôm qua 5/1 đã quyết định tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3/2021 nhằm thuyết phục các thành viên khác duy trì sản lượng dầu của nhóm như hiện tại, hoặc giảm thêm nữa, giữa bối cảnh lo ngại đợt phong tỏa mới để ngăn ngừa virus Covid-19 biến thể có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu xăng dầu.
“Quyết định này gây bất ngờ lớn", theo đánh giá của Capital Economics. Tổ chức này dự đoán giá dầu Brent sẽ còn tiếp tục tăng lên 60 USD/thùng vào cuối năm nay, khi cán cân cung - cầu rơi vào tình trạng thiếu hụt.
OPEC+ đã buộc phải cắt giảm sản lượng kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày trong năm 2020, khi các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu nhiên liệu. Mức cắt giảm sau đó đã được điều chỉnh xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày, rồi giảm tiếp xuống 7,2 triệu thùng/ngày sau khi OPEC+ hồi tháng 12/2020 quyết định tăng sản lượng thêm 0,5 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021.
Nước Anh từ ngày 5/1 tiến hành đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 3, dự kiến kéo dài đến giữa tháng 2, sau khi số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện tăng vọt lên cao hơn 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, gây lo ngại tổng số người tử vong có thể chạm cột mốc đen tối 100.000 người vào cuối tháng 1.
Trung Quốc cũng vừa tuyên bố nhiều khu vực tại tỉnh Hà Bắc là “vùng nguy hiểm” cần được cách ly và xét nghiệm chặt chẽ sau khi phát hiện hàng chục ca bệnh mới.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan siết chặt việc di chuyển giữa các tỉnh có dịch trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát gần đây sau một năm không có ca nhiễm cộng đồng.
Về nguồn cung, tồn trữ dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 1/1 đã giảm xuống còn 491,3 triệu thùng, song tồn trữ xăng và sản phẩm chưng cất đều tăng, theo dữ liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ.
Đối với mặt hàng khí tự nhiên, giá khí tại Mỹ phiên 5/1 đã tăng gần 5% lên mức cao nhất trong hai tuần do các dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi tăng trong 2 tuần tới so với dự kiến trước đây.
Khí tự nhiên tăng 12,1 US cent hay 4,7% lên 2,702 USD/mmBtu, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 22/12.
Trong khi đó, giá than tại Trung Quốc cũng đang có xu hướng tăng. Giá than luyện cốc trên sàn Đại Liên hôm nay 6/1 giảm 0,2%, trong khi than luyện cốc tăng 0,4% so với phiên trước.
Các nhà phân tích của Sinosteel Futures nhận định nguồn than cốc ngày càng khan hiếm ở Trung Quốc đồng thời nhu cầu nguyên liệu thô này của nhà sản xuất thép hàng đầu cũng mạnh.
Giá than cốc Đại Liên đã tăng 67% trong năm 2020, mức tăng nhiều nhất kể từ năm 2017.
Với áp lực thiếu cung, công ty tư vấn Mysteel dự báo giá than cốc khó có thể giảm trong thời gian ngắn sắp tới, giữa bối cảnh các nhà máy thép Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao hơn.
Nguồn:VITIC/Reuters