menu search
Đóng menu
Đóng

“Lý do thứ 7” để giữ nguyên tỷ giá

14:37 03/06/2015

Trước biến động và cả hoài nghi, ngày 27/5 vừa qua, lãnh đạo chuyên trách Ngân hàng Nhà nước chính thức khẳng định sẽ vẫn giữ nguyên quãng định hướng điều chỉnh tỷ giá đề ra từ đầu năm.
Khẳng định trên khép lại những đồn đoán, đề xuất và cả kỳ vọng về việc tiếp tục phá giá VND, sau khi đã điều chỉnh hết “định mức” 2% chỉ sau 5 tháng đầu năm.

Phía trước đường còn dài, tiềm ẩn thử thách đối với sự kiện định của Ngân hàng Nhà nước. Kiên định nhưng có bảo thủ không? Nhà điều hành không “sửa” định hướng vì uy tín của riêng mình hay vì đại cục?

Lãnh đạo chuyên trách Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 6 lý do bảo vệ quan điểm không tiếp tục phá giá VND. Một số tổ chức và chuyên gia vẫn tiếp tục đề xuất phá giá. Tranh luận về chính sách điều hành tỷ giá chưa dừng lại.

Trong 6 lý do mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra, cũng như trong các quan điểm đề xuất tiếp tục phá giá, không thấy đề cập đến một yếu tố không kém phần quan trọng: niềm tin và nỗi sợ rủi ro chính sách.

Ám ảnh chưa xa…

Ngày 20/7/2012, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, có một câu nói nổi tiếng: “Tại sao không nghe Thống đốc? Tôi lấy sinh mạng chính trị của mình để nói, thế sao không tin?”.

Câu nói trên có tại hội nghị đối thoại giữa ngân hàng với doanh nghiệp ở Hà Nội, sau khi có ý kiến phản ánh thiệt hại của mình.

Ý kiến đó phản ánh: tháng 12/2011, dù đã có cam kết của Thống đốc sẽ tăng không quá 1%, nhưng thị trường xuất hiện tin đồn tỷ giá sẽ tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu găm USD lại, thậm chí còn vay VND thay vì chuyển đổi cho sản xuất kinh doanh.

Thế rồi, tỷ giá không tăng, cuối năm 2011 đầu 2012 còn giảm mạnh, có những ngày giá ngân hàng mua vào thấp hơn giá bán ra tới 300 VND… Những doanh nghiệp găm USD trước đó thiệt hại lớn.

Trước thông tin trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình hỏi lại tại hội nghị: “Tại sao không nghe Thống đốc? Tôi lấy sinh mạng chính trị của mình để nói, thế sao không tin?”.

Tại thời điểm của sự kiện trên, niềm tin của doanh nghiệp nói chung đối với chính sách tiền tệ phải chăng chưa kịp dày dặn. Bởi họ vừa trải qua những năm có nhiều xáo trộn lớn, mà trong đó có bóng dáng của rủi ro chính sách.

Với từ khóa “chính sách tiền tệ” và “phanh gấp”, kết quả tìm kiếm trên Google dễ dàng điểm lại những phản ánh, chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc điều hành chính sách tiền tệ những năm 2008, 2009.

Dẫn theo lời của đại biểu Quốc hội, trạng thái của nền kinh tế và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp vừa hưng phấn với tín dụng bùng nổ 2007 đã đột ngột “phanh gấp” với những “cú thắt” trong 2008, qua quyết định tăng dự trữ bắt buộc, phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc, rồi lãi suất leo thang và hoạt động vay vốn ngột ngạt…

Biên bản ghi lại nội dung chất vấn tại Quốc hội sáng 12/11/2008 dẫn ý kiến đại biểu cho rằng, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, “sốc” vì những thay đổi đột ngột của chính sách nói trên.

Đến kỳ chất vấn tại diễn đàn Quốc hội tháng 11/2009, những quan ngại trên vẫn lặp lại trong tâm tư một số đại biểu...

Chưa hết, những năm sau đó, chính sách tiền tệ lại dồn dập những cú “bốc đầu” của tỷ giá với mức tăng bình quân lên tới 9,2% năm 2009, 7,6% năm 2010 rồi 8,5% năm 2011 (theo số liệu của Tổng cục Thống kê).

Bối cảnh, giá trị hoặc hạn chế của điều chỉnh chính sách đến nay vẫn có những đánh giá khác nhau, nhưng trải qua nhiều cú sốc như vậy, niềm tin của doanh nghiệp dễ bị tổn thương.

Có lẽ cũng vì thế mà nó không dễ đến ngay với chính sách tiền tệ, như trong câu hỏi nổi tiếng trên của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

“Lý do thứ 7”

Sau những lần “phanh gấp” và “bốc đầu”, niềm tin đối với chính sách tiền tệ mới dần được củng cố, nhất là qua loạt cam kết ổn định tỷ giá cuối 2011 và trong các năm 2012, 2013 và 2014, dù gặp nhiều thử thách.

Lần này, cam kết khoảng biến động tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bị thử thách, và trở nên nhạy cảm hơn. Bởi từ 2011 đến nay, lần này cho thấy sức ép phá vỡ cam kết lớn hơn cả (khi dư địa 2% đã dùng hết và áp lực vẫn đang biểu hiện với chiều dài 7 tháng còn lại của năm).

Nhưng, như thông điệp vừa đưa ra, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên quyết không tiếp tục phá giá trong năm nay.

Các tranh luận, đề xuất tiếp tục phá giá vẫn chưa dừng lại. Các quan điểm đều có cơ sở khoa học, tính toán của mình. Song, tình huống đặt ra, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phá giá thì điều gì sẽ xảy ra?

Nếu vậy, lần đầu tiên cam kết định hướng của nhà điều hành bị phá vỡ, rủi ro chính sách là mối liên hệ đáng chú ý nếu hệ quả của nó gặp phải sự cộng hưởng giữa yếu tố tâm lý và niềm tin thị trường.

Sau bốn lần tạo được niềm tin, khoảng cam kết về tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra đầu mỗi năm đã trở thành cơ sở tin cậy để doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư xây dựng phương án, kế hoạch kinh doanh; giúp định hình các giao dịch vay và trả nợ, tính toán các công cụ phái sinh trong năm…

Nay, nếu phá vỡ, ảnh hưởng theo đó sẽ không nằm riêng ở uy tín của Ngân hàng Nhà nước, mà có thể rộng hơn tới kế hoạch chủ động kinh doanh của doanh nghiệp, cộng hưởng giữa yếu tố tâm lý và niềm tin thị trường.

Với tỷ giá, khi niềm tin bị phá vỡ hoặc sự hoài nghi xuất hiện, hiệu ứng găm giữ có thể khởi phát trở lại, kéo theo sự ngột ngạt thanh khoản và tình trạng “chợ đen” trong lòng ngân hàng từng nhức nhối trước đây.

Những năm 2009 - 2011, tâm lý găm giữ đó là một thành trì mà Ngân hàng Nhà nước đã từng phải có văn bản yêu cầu kết hối đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; hay có đề xuất thu hẹp trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng thương mại xuống hẳn +/-5% để hạn chế găm giữ ngay chính trong lòng hệ thống…

Vậy nên, bên cạnh 6 lý do không tiếp tục phá giá VND Ngân hàng Nhà nước đưa ra, giữ niềm tin và tránh tạo rủi ro chính sách từ tình huống “hiệu ứng của sự phá vỡ” có lẽ là “lý do thứ 7” mà nhà điều hành không nói đến (?).