menu search
Đóng menu
Đóng

Vẫn khó thoái vốn, thoát chéo

11:06 28/09/2015

Với quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, nhằm siết lại tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM), một NHTM chỉ được sở hữu tối đa 2 tổ chức tín dụng (TCTD), tỷ lệ không quá 5%.
Tuy nhiên, sau gần 9 tháng thực thi, đến nay việc thoái vốn của các NHTM vẫn rất ì ạch.

Sở hữu vượt quá 5% còn nhiều
 
Điều 20 của Thông tư 36 quy định những giới hạn về việc NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu của các TCTD khác. Một NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của NH đó.

Tỷ lệ nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà NH mua mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của NH hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN. Vì thế, theo lộ trình các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực ngày 1-2-2015.

Thế nhưng, sau gần 9 tháng đi qua của năm 2015, tiến trình thoái vốn xuống tỷ lệ 5% và sở hữu trên 2 TCTD vẫn còn khá khiêm tốn. Chỉ một vài “bộ đôi” NH có cùng dáng dấp chủ sở hữu đã tiến hành M&A để xóa sở hữu chéo.

Đơn cử như Maritime Bank sáp nhập Mekong Bank do trước đó Maritime Bank nắm 10% cổ phần Mekong Bank; sáp nhập Công ty Tài chính cổ phần Dệt may - đơn vị Maritime Bank nắm giữ hơn 10% cổ phần nên đáp ứng quy định Thông tư 36.

Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng có thể dễ dàng thực hiện như Maritime Bank để đáp ứng đúng lộ trình. Trong số đó phải kể đến Vietcombank - NH hiện có vốn tại nhiều TCTD với 4 NH và 1 công ty tài chính. Trong đó, 3/5 TCTD này Vietcombank đang có tỷ lệ sở hữu vượt 5%.

Cụ thể Vietcombank đang nắm 9,59% vốn tại MBB, 8,24% cổ phần Eximbank, 5,07% tại OCB và trên 8% tại Saigonbank. Với Saigonbank, Vietcombank đã từng có ý định sáp nhập thêm nhà băng này để đáp ứng lộ trình trên, song cổ đông lớn của Saigonbank không đồng ý chuyện về chung một nhà.

Còn với Eximbank, các thông tin xuất hiện trên thị trường vào giữa tháng 7-2015 cho rằng Vietcombank sẽ chuyển nhượng phần vốn của mình tại Eximbank cho Nam A Bank, sau đó phía Vietcombank lên tiếng bác bỏ và cho biết tiếp tục nắm giữ phần vốn tại Eximbank.

Trong tình thế ngược lại, Eximbank cũng đang nắm giữ cổ phần tại 4 đơn vị, trong đó nắm giữ 10,3% cổ phần tại Sacombank. Nguyên nhân khiến cho việc thoái vốn gặp khó do tình hình thị trường không mấy thuận lợi, giá cổ phiếu NH sụt giảm. Mặt khác, ngành đang NH trải qua cuộc “đại phẫu” nên các khuyết tật của NH được phơi bày khiến người mua e ngại.

Khó đáp ứng lộ trình?

M&A được xem là con đường ngắn và giải pháp tốt để các NHTM có cùng dáng dấp chủ sở hữu về chung một nhà, xóa được tình trạng sở hữu chéo theo quy định của Thông tư 36. Đây là quy định quan trọng để kiểm soát một NH cùng với thành viên HĐQT, hội đồng thành viên có “sân sau” trong hoạt động cấp tín dụng, góp vốn mua cổ phần. Do vậy cần thiết áp dụng để tái cấu trúc ngành, xóa được sở hữu chéo nên phải được thực thi đúng lộ trình.

TS. Lê Xuân Nghĩa


Nhiều NH vẫn đang chậm trễ thoái vốn vì muốn trì hoãn để chờ vào thời điểm khác tốt hơn. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH, cho rằng TTCK thời gian qua có khá nhiều biến động, dù cổ phiếu NH được đánh giá khá tốt nhưng vẫn chịu tác động từ tình hình tài chính chung như tỷ giá và biến động từ thị trường thế giới.

Tuy nhiên, theo TS. Hiếu, cần thiết phải quán triệt vấn đề này và các NHTM phải thực hiện việc thoái vốn đúng theo lộ trình. “NHNN nên nhất quán và kiên quyết hơn. Nếu tạo điều kiện cho một vài trường hợp trì hoãn sẽ tạo ra tiền đề không tốt, bởi như thế sẽ hiểu rằng quyết định đã ban hành nhưng vẫn có những ngoại lệ” - TS. Hiếu nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình NHNN cần có biện pháp xử lý để răn đe. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, NHNN có thể nhẹ tay trong việc xử lý, có thể là cảnh cáo, nhưng việc dời lại quyết định là không nên. Mặc dù muốn thoái vốn tại thời điểm này là không hề dễ dàng, nhưng các NH vẫn phải hết sức nỗ lực và khẩn trương thực hiện.

Hiện một số NHTM đã xin gia hạn và đề xuất với NHNN lộ trình thoái vốn. Cụ thể trường hợp của Vietcombank, NH này đã có văn bản gửi NHNN về việc xử lý phần vốn góp tại Eximbank và MBB. Trong đó, Vietcombank đề xuất giữ phần vốn góp tại MBB, vì cổ phiếu MBB là cổ phiếu tốt và đã được NHNN chấp thuận với tỷ lệ như hiện tại 9,59%.

Còn với phần vốn tại Eximbank, theo yêu cầu của NHNN, Vietcombank sẽ tiếp tục nắm giữ phần vốn tại Eximbank cho tới hết năm 2015. Trong khi theo quy định của Thông tư 36 thời gian còn lại để thoái vốn là không nhiều, chỉ 3 tháng để hoàn tất xem ra khó đáp ứng.

Mục tiêu chung NHNN sẽ triển khai quyết liệt M&A. Quá trình tái cơ cấu ngành trong 3 năm qua chủ trương của NHNN khuyến khích các NHTM yếu sáp nhập tự nguyện. Nhưng hiện còn một số NH quy mô nhỏ hoạt động yếu kém và khó có thể tăng năng lực tài chính, phải tìm kiếm đối tác để cùng hợp sức phát triển mới có thể tồn tại trong thời gian tới. Do vậy không còn cách nào là các NH vướng vào Thông tư 36 phải thoái vốn kịp thời.

Theo Phương Anh
Sài gòn Đầu tư tài chính

Nguồn:Sài gòn đầu tư tài chính