menu search
Đóng menu
Đóng

5 kiến nghị của doanh nghiệp vừa và nhỏ

10:09 27/02/2009
Điểm yếu cố hữu của các DN Việt Nam mà phần lớn trong số đó (chiếm tới trên 95%) có quy mô nhỏ và vừa hiện nay vẫn là thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu lao động có trình độ, từ đó kéo theo hệ quả là công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, sức cạnh tranh rất yếu.

Điều đó cho thấy sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương thông qua các cơ chế, chính sách đối với DN là rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của các DN về lâu dài.

Dưới đây là những kiến nghị của các doanh nghiệp với các cơ quan hữu quan một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp:

Thứ nhất: Cần phải có cơ chế đối thoại giữa Lãnh dạo địa phương, lãnh đạo trung ương với DN thường xuyên, không phải chỉ gặp mặt mỗi năm một, hai lần mà phải là các cuộc tiếp xúc hàng quý. Có như vậy, những vướng mắc về thủ tục hành chính, cơ chế đầu tư mới đưựoc tháo gỡ kịp thời, không để lỡ những cơ hội quý báu cho DN hoạt động. Càng trong khó khăn thì việc gặp gỡ càng cần thiết giải quyết những điểm nóng về khó khăn của DN.

Thứ hai: Nhiều DN nhỏ và vừa chưa có mặt bằng sản xuất, các DN nằm xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, hạn chế triển khai các giải pháp về công nghệ. Để giải quyết khó khăn này, Nhà nước có giải pháp mạnh mẽ về quy hoạch mặt bằng tạo quỹ đất sạch có đầu tư cơ sở hạ tầng, giá cả hợp lý nhằm hỗ trợ tích cực cho các DN, Nhà nước, các địa phương cần có chương trình phát triển DN theo đó cần có những mục tiêu cụ thể hỗ trợ DN như số diện tích khu cụm công nghiệp được hình thành, các chỉ số cụ thể hỗ trợ phát triển DN về đầu tư hạ tầng: đường, điện, nước... trên cơ sở đó việc đánh giá hỗ trợ DN phải bằng những con số cụ thể, so sánh hàng năm, đây là chỉ tiêu quan trọng cải thiện môi trường đầu tư.

Thứ ba: Vốn là vấn đề  bức xúc đối với các DN, vì nhiều lý do các DN khó tiếp cận với Ngân hàng. Năm 2000, Chính phủ đã có quyết định về việc thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Thứ tư: Nhà nước hỗ trợ DN thông qua cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường. Song mới chủ yếu hỗ trợ các DN lớn, các DN nhỏ và vừa ít được thụ hưởng chính sách này. Hơn ai hết các Hiệp hội hiểu nhu cầu các DN. Vì vậy Nhà nước, các địa phương cần giao cho các Hiệp hội cùng tham gia các chương trình hỗ trợ DN.

Thứ năm: Một số cơ quan Nhà nước khi giải quyết các đề án, văn bản của DN thường ghi theo kiểu chung chung: chuyển cơ quan A chủ trì phối hợp  cùng các cơ quan B, C, D, F họp, nghiên cứu, báo cáo, đề xuất... giải quyết theo cách.... Như vậy, buộc các DN phải tốn chi phí, thời gian tiếp cận đến các cơ quan A, B, C, D, F. Các DN đề nghị các cơ quan Nhà nước khi giao nhiệm vụ giải quyết văn bản cho DN chỉ nên giao cho 1 cơ quan tham mưu, cơ quan đó phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan khác giải quyết theo chức năng và thẩm quyền. Đây là giải pháp quan trọng cải tiến thủ tục hành chính tránh tình trạng một cửa nhưng nhiều khoá.

 

Nguồn:Diễn đàn doanh nghiệp