menu search
Đóng menu
Đóng

Ấn Độ với kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu

14:45 25/06/2008
Đầu tháng 4 vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ thông báo đề án bổ sung hàng năm cuối cùng cho chính sách ngoại thương giai đoạn 2004-09.
 
Khi chuẩn bị đề án này, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Kamal Nath đứng trước một nhiệm vụ khó khăn là làm sao cân bằng được giữa một bên là các biện pháp tăng cường xuất khẩu và hỗ trợ những nhà xuất khẩu trong nước với một bên là cần phải hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng như một phần trong cuộc chiến của chính phủ khẩn cấp chống lại lạm phát đang gia tăng.
Bản đề án bổ sung đặt mục tiêu tăng thị phần của Ấn Độ trên thế giới từ mức 1% hiện nay lên khoảng 5% vào năm 2020 - mục tiêu mà các nhà quan sát cho là nhiều tham vọng nhưng có thể đạt được.
Trong tài khóa 2007/08 (kết thúc vào cuối tháng 3/08), xuất khẩu hàng hóa của Ấn Độ tăng từ 126 tỷ USD lên 155 tỷ USD, thấp hơn mức mục tiêu 160 tỷ USD, trong bối cảnh các nhà xuất khẩu gặp khó khăn như đồng rupee tăng giá trên 12% so với đồng USD trong năm 2007, kinh tế tăng trưởng nhanh và đồng USD suy yếu. Các nhà xuất khẩu còn đối mặt với những vấn đề khác như tăng trưởng kinh tế chậm lại ở những thị trường xuất khẩu lớn, tỷ lệ lãi suất khá cao và chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nath vẫn đặt ra mục tiêu đầy tham vọng đạt giá trị xuất khẩu hàng hóa 200 tỷ USD trong tài khóa hiện nay.
Nhằm đạt được mục tiêu trên, bản đề án đưa ra một loạt biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, chẳng hạn, gia hạn trên 1 năm thời gian miễn giảm thuế thu nhập cho các đơn vị xuất khẩu (EOU). EOU, chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu tài khóa 2007/08, hiện đang được hưởng quy chế ưu đãi dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 3/2009. Bản báo cáo cũng gia hạn cho kế hoạch lập các công viên công nghiệp hiện hành đang dành nhiều ưu đãi như miễn giảm thuế và hoàn thuế hải quan, thuế bán hàng cho những đơn vị thành lập trong các khu công nghiệp đó. Các lĩnh vực được đề cập trong bản báo cáo gồm công nghệ thông tin (IT), các dịch vụ hỗ trợ IT, nghiên cứu và phát triển trong khoa học tự nhiên và cơ khí công trình như các hoạt động công nghiệp được phép triển khai trong các công viên kể trên.
Để khuyến khích tạo thêm việc làm, bản báo cáo đặc biệt chú trọng đến các ngành công nghiệp xuất khẩu sử dụng nhiều nhân công, chẳng hạn tăng thêm 5% mức cung cấp tín dụng thuế và phân bổ một cách riêng rẽ theo khuôn khổ quỹ xúc tiến thị trường hiện hành đối với xuất khẩu đồ chơi và đồ thể thao.
Xuất khẩu trong lĩnh vực viễn thông đã tăng từ 18 tỷ rupee (450 triệu USD) tài khóa 2006/07 lên 40 tỷ rupee tài khóa 2007/08. Để duy trì mức tăng trưởng cao đó, Chính phủ Ấn Độ cần thành lập hội đồng xúc tiến xuất khẩu trong lĩnh vực này. Chính phủ Ấn Độ cũng sẽ thành lập một nhóm công tác chung với các thành viên là quan chức hay chuyên gia của chính phủ trung ương và chính quyền các bang cũng như ngành nghề để đưa ra lộ trình tháo gỡ những vướng mắc mang tính cơ cấu đối với xuất khẩu. Nhóm công tác sẽ xem xét các vấn đề như giảm thời gian chờ đợi tại bến cảng, sân bay, phát triển cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế và thành lập những trung tâm chế tạo toàn cầu về linh kiện ô tô, dược phẩm, đồ trang sức, thủ công mỹ nghệ, dệt may, các chế phẩm dầu mỏ,... Kế hoạch hiện nay giảm lãi suất tín dụng xuất khẩu cho các nhà xuất khẩu thuộc những lĩnh vực bị tác động bởi việc đồng rupee tăng giá cũng sẽ được gia hạn một năm.

Nguồn:Vinanet