menu search
Đóng menu
Đóng

Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đối với nhu cầu nhập khẩu của Pháp và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Pháp

10:04 01/12/2008
Từ đầu năm 2008 đến nay, kinh tế thế giới đã trải qua 3 cú sốc: tình trạng vỡ bong bóng bất động sản ở nhiều nước, giá nguyên vật liệu, giá lương thực tăng và cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu tại Mỹ. Nền kinh tế Pháp cũng như kinh tế thế giới đã, đang và tiếp tục phải hứng chịu những hậu quả trực tiếp từ các sự kiện này.

Điều đặc biệt cần quan tâm hiện nay là làn sóng khủng hoảng tài chính từ Mỹ đã lan đến Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng. Trong những tuần qua, thị trường tài chính thế giới bị đe dọa bởi hiệu ứng domino của sự sụp đổ các ngân hàng và hệ thống tài chính quốc tế. Ngày 6/10/2008 đi vào lịch sử của thị truờng chứng khoán Pháp khi mà chỉ số CAC 40 giảm kỷ lục (- 9.04%), đồng euros mất giá 15% so với đồng dollars Mỹ kể từ mốc lịch sử 1,6038 USD/EURO. Các thị trường chứng khoán Châu Âu khác cũng ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục : Hà Lan giảm 9,14% ; Franfurt giảm 7%... Làn sóng khủng hoảng này không chỉ giới hạn  trong thị trường tài chính mà bắt đầu lan sang cả nền kinh tế. Một số lĩnh vực như tiêu dùng, xây dựng, công nghiệp ô tô… đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng mạnh và đang rơi vào suy thoái.

Các chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế thế giới nói chung và Pháp nói riêng sẽ đi theo hai kịch bản chính:

- Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng dù có sự can thiệp quyết liệt của các chính phủ (đặc biệt là Mỹ và Châu Âu) để ngăn chặn khủng hoảng bằng các kế hoạch cứu nguy nền kinh tế (như Mỹ đã thông qua kế hoạch 700 tỷ USD, liên minh Châu Âu dự định bơm vào thị trường tài chính 220 tỉ euros, các chính phủ cam kết đảm bảo các khoản tiền tiết kiệm của người dân…) thì nền kinh tề Mỹ nói riêng và châu Âu nói chung sẽ vẫn không tránh khỏi đi vào suy thoái it nhất là trong vòng 3 - 4 năm nữa cho đến khi thị trường tài chính đi vào ổn định và cầu về hàng hóa tăng trở lại. Báo cáo của IMF chỉ ra rằng, sự đổ vỡ trong ngành ngân hàng là tác nhân lớn có thể dẫn tới tình trạng suy thoái kinh tế đáng kể. Sức ép tài chính khiến chi phí vay vốn của doanh nghiệp trở nên đắt đỏ và doanh nghiệp khó tiếp cận với các nguồn vốn cần thiêt để tồn tại và phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp qui mô sản xuất, rà soát và/hoặc hủy bỏ các dự án đầu tư, hoãn đưa ra thị trường các sản phẩm mới, tìm mọi biện pháp để cắt giảm chi phí. Thất nghiệp sẽ gia tăng và  nhu cầu tiêu dùng bị suy giảm. 

- Nhóm ý kiến thứ hai lạc quan hơn. Họ cho rằng kinh tế Mỹ và Châu Âu sẽ suy giảm vào 2009, nhưng sẽ hồi phục lại vào 2010. Cuộc khủng hoảng thực sự chỉ bắt đầu từ 2015. Những người ủng hộ quan điểm này lập luận rằng : thứ nhất, bên cạnh sự can thiệp quyết liệt của các chính phủ, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Mỹ và Châu Âu vẫn tốt. Thị trường tài chính biến động mạnh như giai đoạn vừa qua là do tác động của đầu cơ. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các phần mềm giao dịch tự động trên thị trường chứng khoán đã khuyếch đại các biến động này. Thứ hai, kinh tế các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin… đang có sự tăng trưởng vượt bậc, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói, tầng lớp trung lưu tăng gấp đôi đồng nghĩa với nhu cầu thế giới vẫn tăng trưởng và duy trì ở mức cao. Như vậy, cầu sẽ kích thích cung, tăng trưởng sẽ quay trở lại sau 2009. Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng đến 2015, dưới sức ép của sự khan hiếm nguyên nhiên vật liệu và ô nhiễm môi trường, khủng hoảng kinh tế mới thưc sự bắt đầu.

Dù cho kịch bản nào thể có xảy ra, từ nay đến cuối năm và kéo dài đến hết năm 2009, kinh tế Châu Âu nói chung và kinh tế Pháp nói riêng sẽ còn gặp nhiều bất lợi.

Trong quý 3/2008,  GDP của Pháp bị giảm 0,1%. Như vậy, 3 quý liên tiếp từ đầu năm đến nay, kinh tế Pháp chẳng những không tăng trưởng mà còn tụt giảm. Theo lý thuyết, người ta có thể nói kinh tế Pháp đang rơi vào « suy thoái», nhưng hiện nay ở Pháp, không một nhà lãnh đạo hay cơ quan kinh tế Trung ương nào muốn nói đến cụm từ này.

Trên thực tế, Viện Thống kê Kinh tế Quốc gia (INSEE) đã đưa ra những dự báo kinh tế vô cùng ảm đạm cho các tháng cuối năm 2008: tăng trưởng cả năm chỉ ước đạt từ 0,9% đến 1% (kế hoạch đầu năm là 1,7 đến 2%), xuất khẩu và nhập khẩu đều có nguy cơ giảm.

Dự báo sức mua từ nay cho đến cuối năm giảm khoảng 0,4%. Như vậy, dự tính sức mua cả năm 2008 chỉ tăng 0,7% thay vì 3,3% như năm 2007. Lạm phát giảm đôi chút trong tháng 7, nhưng cũng không thể cải thiện được sức mua của người dân. Điều này dẫn đến nhu cầu sản xuất và tiêu thụ người dân sẽ giảm. Nhu cầu giảm sẽ kéo theo nhập khẩu giảm.

Sức mua giảm cộng thêm khủng hoảng tài chính sẽ làm các ngân hàng khó khăn hơn trong việc cấp tín dụng. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh và sẽ phải giảm các dự án đầu tư hoặc thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Điều này càng đẩy thất nghiệp cao hơn và tạo sức ép lên nền kinh tế.

Tỷ lệ thất nghiệp cuối năm 2008 có thể lên đến 7,4% thay vì 7,2% như hiện nay.

Khi nền kinh tế Pháp rơi vào tình trạng suy thoái như vậy, xuất khẩu của Việt Nam không tránh khỏi giảm sút. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp trên các phương diện sau : nhu cầu thị trường giảm và các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong việc đàm phán với khách hàng, biến động tỷ giá EUR/USD bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, chính sách hạn chế nhập khẩu của Pháp:

- Sức mua người dân Pháp bị sút giảm thì nhu cầu tiêu thụ nội địa sẽ giảm, nhập khẩu sẽ không thể tăng lên. Do đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Pháp có nhiều khả năng sụt giảm.

- Bản thân các nhà nhập khẩu Pháp cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Hàng hóa nhập khẩu về khó tiêu thụ do nhu cầu người dân giảm, chi phí lưu kho bãi sẽ tăng lên. Vì vậy, họ sẽ chú trọng giảm thiểu hàng tồn kho và tận dụng nguồn vốn bên ngoài bằng cách áp dụng các phương thức thanh toán linh hoạt, như : trả chậm với thời gian dài hơn.

- Ngoài ra, tỷ giá EUR/USD biến động như hiện nay sẽ bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam phần nhiều mang tính gia công (điển hình là ngành da giầy, dệt may). Các doanh nghiệp phải nhập nguyên vật liệu bằng USD, trả các chi phí khác bằng đồng Việt Nam và bán vào thị trường sử dụng đồng EURO. Hiện nay, đồng USD đang có xu hướng tăng giá so với đồng EURO. Trong thời gian tới, dự đoán Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có thể sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 0,5% để đối phó vói khủng hoảng. Sức ép giảm giá EURO ngày càng lớn. Như vậy, vô hình chung, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp sẽ tăng trong khi doanh thu khó tăng.

- Chính phủ các nước EU sẽ sử dụng các rào cản thương mại để bảo vệ nền sản xuất nội địa. Tổng thống Sarkozy và các nhà lãnh đạo khác của EU đều có quan điểm chú trọng đến lợi ích của giới chủ. Vì vậy, họ sẵn sàng sử dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu để bảo vệ nhà sản xuất trong nước khi cần thiết và cũng là để giảm thâm hụt cán cân thương mại.

Tuy nhiên, mức tăng giảm kim ngạch nhiều hay ít tùy từng mặt hàng. Nhìn chung, các mặt hàng không thuộc loại nhu yếu phẩm cần thiết như lương thực thực phẩm và các mặt hàng nhạy cảm với biến động chu kỳ của nền kinh tế sẽ giảm đầu tiên và giảm mạnh nhất. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào Pháp hầu hết không thuộc nhóm lương thực thực phẩm, nhưng cũng không phải là các mặt hàng xa xỉ phẩm nên có thể xuất khẩu sẽ giảm nhưng mức giảm không nhiều. 5 mặt hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Pháp là : giầy dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản và cà phê chiếm tới 71,6% tổng kim ngạch xuât khẩu. Vì thế, biến động nhu cầu nhập khẩu của Pháp đối với 5 mặt hàng này sẽ ảnh hưởng lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Pháp :

1.Mặt hàng giầy dép :

Số liệu Hải Quan Pháp cho thấy lượng nhập khẩu mặt hàng giầy dép vào Pháp tăng đều qua các năm trong giai đoạn 1999 – 2007 và đạt mức kim ngạch nhập khẩu cao nhất (6,4 tỷ euros) vào năm 2007. Tuy nhiên, bảng 1 cho thấy lượng nhập khẩu có xu hướng chững lại trong năm 2008.

Đối với mặt hàng giầy dép của Việt Nam, ngoài bất lợi do xu hướng chung, lại gặp bất lợi do EU áp thuế chống bán phá giá và không cho hưởng GSP từ năm 2009. Giá cả, vốn là lợi thế cạnh tranh của giầy dép Việt Nam, sẽ ngày càng tăng, tạo sức ép lớn lên lượng hàng bán ra thị trường. Như vậy, giầy dép Việt Nam sẽ phải cạnh tranh cả về mặt chất lượng lẫn giá cả với các nhà sản xuất giầy Châu Âu, Trung Quốc...

Như đã đề cập ở trên, với viễn cảnh kinh tế ảm đạm như hiện nay, tính bảo hộ của Liên minh Châu Âu nói chung và Pháp nói riêng đối với các nhà sản xuất nội địa sẽ ngày càng cao. Các biện pháp bảo hộ sẽ phong phú và tinh vi hơn, không chỉ có các hàng rào thuế quan mà còn cả rào cản kỹ thuật. Điều này thể hiện rõ nhất là vừa qua, giầy dép Trung Quốc bị Pháp phát hiện có độc tố. Bởi vậy, việc kiểm soát chất lượng một cách ngặt nghèo để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng mặt hàng này trong thời gian tới không chỉ đối với giầy dép Trung Quốc mà còn phải lưu ý là có thể xẩy ra cả đối với giầy dép của Việt Nam.

 Với những điểm bất lợi như trên, ước tính kim ngạch xuất khẩu giầy dép của Việt Nam vào thị trường Pháp năm 2008 đạt khoảng 370-395 triệu Euros, giảm 7 – 8 % so với năm 2007.

2.Mặt hàng dệt may :

Dệt may là mặt hàng đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Pháp, nhưng cũng đứng thứ 8 về kim ngạch nhập khẩu trong buôn bán giữa Việt Nam và Pháp. Đây là điển hình của một ngành gia công là chủ yếu. Vì vậy, biến động của tỷ giá như đã phân tích ở trên thể hiện rõ nhất trong ngành này.

Ngoài ra, dệt may cũng là mặt hàng người dân có thể dễ dàng cắt giảm nhu cầu khi tình hình tài chính gặp khó khăn. Các hãng quần áo lớn đều dự báo bi quan về thị trường và cố gắng cắt giảm tối đa chi phí thông qua quản lý lượng hàng tồn kho. Hãng quần áo nổi tiếng H&M của Thụy Điển tuyên bố nhanh chóng áp dụng việc giảm giá quần áo để giảm lượng hàng tồn kho tiết kiệm chi phí nhằm cải thiện kết quả kinh doanh quý 3 năm 2008 vốn đã không được tốt : mức tăng lợi nhuận chỉ đạt 5%.

Số liệu của Hải quan Pháp cho thầy nhu cầu nhập khẩu hàng may mặc của Pháp tương đối ổn định qua các năm 2005 - 2008. Hàng xuất khẩu từ Việt Nam đạt mức tăng trưởng tốt trong 2 năm 2006 - 2007. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may có dấu hiệu giảm trong năm 2008.

Trong bối cảnh nhu cầu thị trường Pháp có xu hướng giảm và bản thân các doanh nghiệp đang phải đối phó với những khó khăn về tài chính, giá nguyên vật liệu tăng cao nên ước tính kim ngạch xuât khẩu mặt hàng hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Pháp năm 2008 đạt khoảng 200 đến 212 triệu euros, tăng khoảng 1,9% so với năm 2007.

3.Mặt hàng đồ gỗ, đồ gia dụng :

Đây sẽ là ngành hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khủng hoảng nhà đất và khủng hoảng tài chính do phụ thuộc nhiều vào sức mua và hoạt động mua bán bất động sản. Dự báo trong những tháng tới, hoạt động mua bán nhà cũng sẽ không sôi động. Điều này kéo theo nhu cầu mua bán đồ gỗ, đồ gia dụng cũng sẽ giảm theo.

Tuy nhiên, thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp còn rất nhỏ bé so với tiềm năng, khả năng tăng trưởng có thể vẫn được duy trì trong 2008. Ước tính kim ngạch xuất đồ gia dụng của Việt Nam vào Pháp năm 2008 sẽ đạt khoảng 145 đến 155 triệu euros.

 4.Mặt hàng thủy sản :

Biểu đồ biến động kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Việt Nam vào Pháp cho thấy nhu cầu về mặt hàng thủy sản của Pháp khá ổn định, khoảng trên dưới 1,1 tỉ euros.

 Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào Pháp sau ba năm tăng trưởng tốt, nhưng bắt đầu chững lại từ đầu 2008. Ước tính giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam vào Pháp năm 2008 đạt khoảng 60 đến 65 triệu euros.

5.Mặt hàng cà phê :

Cũng như thủy sản, cà phê là mặt hàng ít có xu hướng biến động do tác động của khủng hoảng kinh tế. Biểu đồ cho thấy nhu cầu nhập khẩu cà phê của Pháp tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, cà phê của Việt Nam xuất khẩu vào Pháp chủ yếu dưới dạng thô nên giá trị thấp. Dự đoán năm 2008, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào Pháp năm 2008 đạt khoảng 60 đến 63 triệu euros.

 (TTNN)

Nguồn:Vinanet