menu search
Đóng menu
Đóng

ASEAN tổ chức diễn đàn về khủng hoảng tài chính toàn cầu

12:58 03/02/2009
Diễn đàn với chủ đề "Khủng hoảng tài chính toàn cầu: Triển vọng, thách thức và phản ứng của ASEAN và Đông Á" đã diễn ra cuối tuần qua tại Trụ sở Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Giacácta của Inđônêxia. Diễn giả là Giáo sư Masahiro Kawai, Viện trưởng Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Tiến sĩ William E. Wallace, Nhà kinh tế Trưởng thuộc chi nhánh Ngân hàng Thế giới tại Giacácta.
Phát biểu tại diễn đàn, Giáo sư Kawai nêu rõ trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước châu Á, bao gồm cả ASEAN và Đông Á, cần phải điều chỉnh bằng cách tái cân bằng các nguồn tăng trưởng và quay lại với xu hướng thúc đẩy tăng trưởng trong nước bằng cách kích cầu thay vì dựa vào xuất khẩu. Ông nhận định rằng cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ trầm trọng hơn và môi trường kinh tế rộng lớn sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi tình hình được cải thiện. Tuy nhiên, Giáo sư Kawai cho rằng châu Á đang ở vị thế tốt hơn các khu vực khác trong việc đối phó với khủng hoảng, vì những điều kiện cơ bản của khu vực đã tốt hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1997/98. Hiện tại, châu Á là khu vực duy nhất vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng mạnh, do đó chính sách của châu Á sẽ rất quan trọng đối với tương lai kinh tế toàn cầu. Ông cũng cho rằng do sự phụ thuộc lẫn nhau rất cao về kinh tế ở châu Á, nên các nền kinh tế châu lục này cần phải có hành động kết hợp chặt chẽ hơn trong khu vực bất động sản, bên cạnh việc củng cố hệ thống tài chính thông qua hoạt động giám sát và những quy định tốt hơn, đặc biệt cần tăng cường hợp tác tài chính khu vực.
Tiến sĩ Wallace cho rằng để có thể điều chỉnh một cách hiệu quả nhằm đối phó với khủng hoảng, sự phối hợp giữa các nền kinh tế, trong khi đưa ra các chính sách là "vô cùng quan trọng" đối với khu vực này. Trong khi đó, Phó Tổng thư ký phụ trách Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ông Pushpanathan Sundram nhấn mạnh rằng, các nhà hoạch định chính sách ở Đông Á cần cam kết theo đuổi chính sách kiên quyết hơn trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đang lan rộng. Theo ông, sự kích hoạt kịp thời cho Sáng kiến Chiang Mai nhiều bên (CMIM) nhằm tạo thuận lợi và củng cố bộ máy giám sát khu vực là một hướng đi đúng đắn, giúp đối phó với khủng hoảng hiện nay và trong tương lai. Ông cho rằng việc thành lập Cộng động kinh tế ASEAN vào năm 2015 sẽ làm sâu sắc và mở rộng hơn sự cộng tác kinh tế trong khu vực châu Á cũng như quốc tế, do vậy rất cần phải có sự điều phối chính sách mạnh mẽ giữa các nền kinh tế trong khu vực.

Nguồn:Internet