menu search
Đóng menu
Đóng

Châu Á trước sự ảnh hưởng của lạm phát

10:19 06/08/2008
Thành tích tăng trưởng kinh tế xuất sắc của châu Á đang bị đe dọa bởi tình trạng lạm phát phi mã.
Trong mấy thập niên vừa qua, châu Á đã sản sinh ra nhiều phép lạ kinh tế khi các quốc gia chuyển từ tình trạng chậm tiến và nghèo khổ thành những thế lực cạnh tranh toàn cầu. Có một phép lạ ít được chú ý: làm thế nào khu vực này tăng trưởng nhanh mà không đánh thức "con mãnh thú lạm phát vẫn thường gầm rú" mỗi khi nền kinh tế trở nên quá nóng? Từ năm 2003 đến năm 2007, các nền kinh tế châu Á, trừ Nhật Bản, có mức tăng trưởng bình quân hằng năm là 8,1%, gấp ba lần các nền kinh tế phát triển. Cùng thời gian này, mức lạm phát bình quân ở châu Á vẫn khá dễ chịu: 3,5%.
Hiện nay, con mãnh thú đã quay lại và châu Á có thể bị đẩy vào thời kỳ rối loạn kinh tế. Ngân hàng đầu tư Merrill Lynch tính ra mức lạm phát bình quân của khu vực này trong tháng 5/2008 gần 7%, do sự tăng giá dầu mỏ và lương thực, cao hơn rất nhiều so với mức 2,5% hồi tháng 5/2007. Đó mới là con số bình quân. Ở Ấn Độ hồi tháng 6, chỉ số lạm phát tính theo năm là 11,6%, cao nhất trong 13 năm qua.
Các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng trung ương đang cân nhắc tăng lãi suất và siết chặt tín dụng để đưa lạm phát vào tầm kiểm soát. Nhưng các biện pháp này sẽ chèn ép đầu tư và tiêu dùng - những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng - đe dọa làm ngừng trệ đà phát triển nhanh và khá suôn sẻ của châu Á. Glenn Maguire - kinh tế gia về châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng Société Générale ở Hồng Kông, dự báo mức tăng GDP của khu vực Đông Á, trừ Nhật Bản và Trung Quốc, sẽ từ 6,5% năm nay tụt xuống 5% năm tới - mức thấp nhất kể từ năm 2001. Theo ông Maguire, “lạm phát là nguy cơ lớn nhất cho sự tăng trưởng của châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997”.
Mức tăng trưởng chậm kết hợp với lạm phát tăng nhanh đẩy việc hoạch định chính sách kinh tế quốc gia vào vòng xoáy đầy rủi ro - nếu chính phủ mất thăng bằng thì nền kinh tế sẽ hứng chịu những kết quả xấu, từ đó có thể tác động đến nhiều mặt khác trong xã hội. Lạm phát gây phẫn nộ cho tầng lớp trung lưu vì nó nhanh chóng xóa sạch những thành quả cá nhân có được sau nhiều năm vất vả. Lạm phát đặc biệt kinh khủng đối với người nghèo. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF cảnh báo sẽ có thêm 1,8 triệu trẻ em Ấn Độ bị suy dinh dưỡng do giá lương thực cao và các gia đình giảm thức ăn; tại Philippines, nông dân không có đủ tiền mua dầu chạy máy kéo đã quay trở lại cày bừa bằng trâu bò.
Để tránh bất ổn, các chính phủ không thể nhắm mắt áp dụng các biện pháp khắc nghiệt nhằm kiềm chế lạm phát. Nếu phản ứng quá mạnh với lạm phát đến mức thủ tiêu luôn sự tăng trưởng sẽ có nguy cơ gây phản ứng dữ dội trong dân chúng. Dù thế nào, các nước đang phát triển cũng cần đẩy nhanh đà tăng trưởng kinh tế để tạo việc làm và tăng thu nhập cho phần lớn dân cư. Ở một khu vực đang ngày càng dân chủ hóa, cử tri sẽ không ngần ngại bãi chức chính trị gia nào không đem lại điều tốt lành.
Tuy vậy, các nhà hoạch định chính sách không thể bó tay ngồi nhìn mà phải đối phó với lạm phát ngay từ bây giờ, hy vọng sẽ nhanh chóng đưa nó vào tầm kiểm soát và sau đó sẽ tiếp tục khuyến khích tăng trưởng trong tương lai gần. Đa số các ngân hàng trung ương ở châu Á đã bắt đầu tăng lãi suất. Tháng trước, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ hai lần tăng lãi suất cơ bản lên 8,5%, mức cao nhất trong sáu năm qua; trong ba tháng liên tiếp tháng nào Ngân hàng trung ương Indonesia cũng tăng lãi suất.
Khó khăn nhất là ở chỗ, áp lực tăng giá hàng hóa phần lớn đến từ sự tăng giá dầu mỏ và lương thực toàn cầu mà các chính phủ riêng lẻ gần như không kiểm soát được. Giá một thùng dầu hôm nay đã cao gấp năm lần năm 2003, giá gạo tăng gấp ba chỉ trong 5 tháng đầu năm 2008. Marut Sengupta, trưởng bộ phận chính sách của Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ, nhận xét: “Hiện nay lạm phát không bắt nguồn từ trong nước và dường như chính phủ không có nhiều công cụ trong tay để đối phó với nó”. Và vì vậy, nhiều quan chức lúng túng không biết nên hành xử thế nào.
Tất nhiên lạm phát không phải là vấn đề riêng ở châu Á. Gần đây Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cảnh báo rằng, thế giới đang “đi vào một vùng nguy hiểm”. Ông nói sự tăng giá dầu mỏ và lương thực là “thảm họa nhân tạo” có khả năng đảo ngược nhanh chóng những thành tựu đạt được trong bảy năm qua của công cuộc xóa đói giảm nghèo. Dẫu vậy cho đến nay các định chế quốc tế chỉ nói mà không làm cho nên các chính phủ châu Á vẫn phải đơn thương độc mã chiến đấu với lạm phát.
Cũng đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy các biện pháp chống lạm phát đang mang lại kết quả. Sau khi tăng đến điểm cao nhất trong vòng 12 năm vào tháng Hai vừa qua, lạm phát ở Trung Quốc đang bắt đầu giảm. Để làm nguội nền kinh tế quá nóng và kiểm soát đà tăng giá hàng hóa, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng hàng loạt chính sách, kể cả hạn chế cho vay, đưa đất nước trở lại với thời kỳ kinh tế chỉ huy. Nhưng dù nỗ lực kiềm chế như vậy, tăng trưởng của Trung Quốc vẫn không có vẻ gì chậm lại. Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers dự báo mức tăng GDP của Trung Quốc là 9% năm nay và 8% năm tới. Qing Wang, nhà kinh tế chính về Trung Quốc của Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, nhận xét: “Tôi nghĩ họ [Trung Quốc] đang giữ được sự cân bằng rất tinh tế giữa kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng”. Morgan Stanley dự báo GDP của Trung Quốc tăng 10% năm nay và 9,5% năm tới.
Mặc dù lạm phát trong toàn khu vực có vẻ sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tới, vẫn không ai nghĩ tới một thảm họa kinh tế. “Chúng tôi không tin rằng châu Á sẽ lại rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính”, Pak Cyn Young, nhà kinh tế cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á tại Manila nhận định. Các nước châu Á có dự trữ ngoại tệ lớn và hệ thống ngân hàng tương đối khỏe mạnh nên có khả năng hấp thụ những cú sốc từ bên ngoài tốt hơn so với thời kỳ suy thoái khu vực 10 năm về trước. “Lần này, các nhà hoạch định chính sách ở châu Á đã học được bài học và sẽ cẩn thận hơn”, ông Young nói.
Doanh nhan

Nguồn:Internet