menu search
Đóng menu
Đóng

Cứu vãn xuất khẩu – tiền tệ châu Á bị đe dọa

13:56 12/03/2009
 Ngay sau khi tỷ giá hối đoái giữa đồng Won – Hàn Quốc và đồng USD trượt giảm mạnh, tiền tệ của các nước châu Á như : Singapore, Việt Nam, Nhật Bản cũng thi nhau lao dốc.
Nguyên nhân là do thời gian qua, các nước này đã phải “lao tâm khổ tứ” để cứu vãn tình trạng xuất khẩu ảm đạm của mình.

Các số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong tháng 01/2009, tỷ lệ xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, của Hàn Quốc là 34% và Indonesia là 20%. Tỷ lệ khấu hao tích lũy giữa đồng Won và đồng USD là 20% - con số đáng buồn nhất trong vòng 11 năm qua. Tháng trước, tỷ giá giữa đồng Yên Nhật và đồng USD cũng rơi xuống mức thấp trong vòng 3 tháng trở lại đây. Ngoài ra, đồng Rupee của Ấn Độ cũng trượt giảm 11%. Tiền tệ của Thái Lan, Singapore, Indonesia…cũng trượt giảm ở các mức độ khác nhau.

Lý giải cho sự trượt giảm trầm trọng này, chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô Trần Dũng thuộc Sàn Chứng khoán Hải Thông cho biết, một mặt là do tình trạng xuất khẩu của các quốc gia châu Á ngày càng tồi tệ, niềm tin vào thị trường bị dao động. Mặt khác, hiện tượng tháo vốn đầu tư nước ngoài cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho tiền tệ khu vực châu Á ngày càng sụt giảm.

Nhà nghiên cứu tiền tệ thuộc Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ) – ông Stephen Jen dự đoán, đến trước thời điểm 31/06 năm nay, tỷ giá hối đoái giữa đồng Won và đồng Rupee sẽ lần lượt trượt giảm 12% và 13% so với đồng USD. Một bản báo cáo khác cũng nhận định rằng, đến trước tháng 4 năm nay, có khả năng đồng đô la Singapore sẽ trượt giảm 3%, còn đồng Rinhgit của Malaisia cũng sẽ trượt giảm 5% trước thời điểm cuối tháng 9 năm nay.

Tuy nhiên, hôm qua (09/03), cựu Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản – ông Eisuke Sakakibara đã tiết lộ một thông tin đáng mừng, tỷ giá hối đoái giữa đồng Yên và đồng USD trong năm nay có thể sẽ tăng thêm 70 điểm – con số khả quan nhất từ trước đến nay. Trong phiên giao dịch ngày 21/01, tỷ giá đồng Yên đã tăng lên 87,13 điểm – mức cao nhất trong 13 năm qua.

Sau 6 tuần trượt giảm liên tiếp, đến phiên giao dịch hôm 05/03, đồng Yên lại có một “cú lội ngược dòng ngoạn mục” và tăng lên 99,68 điểm. Lý giải cho hiện tượng này, ông Trần Dũng cho biết, đồng Yên có sự trở lại đầy ấn tượng này là do các tác động của giao dịch thương mại. Bản thân nền kinh tế Nhật Bản chưa đủ sức nâng cao tỷ giá đồng Yên.

Bên cạnh các đồng tiền khu vực đang thi nhau trượt giá, đồng NDT của Trung Quốc vẫn chứng tỏ được sự ổn định, vững chắc của mình. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tỷ giá hổi đoái giữa đồng NDT và đồng USD thường dao động trong khoảng 6,83 – 6,84 NDT/ USD. Mức độ dao động khó có thể vượt qua con số 100 điểm. Trong phiên giao dịch hôm qua (09/03), tỷ giá giữa NDT và USD là 6,8355 NDT/ USD, nhích thêm 15 điểm so với phiên giao dịch trước. So với tỷ lệ 6,8367 NDT/ USD vào thời điểm đầu năm nay thì tỷ giá hối đoái hôm qua của đồng NDT đã tăng thêm 12 điểm, về cơ bản vẫn giữ được trạng thái cân bằng.

Tuy nhiên, do tình trạng xuất khẩu không mấy lạc quan, nên đồng NDT cũng đang phải đối mặt với nguy cơ trượt giảm. Số liệu công bố của Tổng Cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 năm nay của quốc gia này là 90,454 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch nhập khẩu cũng chỉ giữ ở mức khiêm tốn là 51,344 tỷ USD, giảm 43,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giáo sư Trương Đào Vỹ - thuộc Học viện Quản lý Kinh tế Đại học Thanh Hoa cho biết, trong vài tháng tới, có khả năng Trung Quốc sẽ xảy ra tình trạng nhập siêu.

Nguồn:Internet