menu search
Đóng menu
Đóng

Điểm tin thị trường trong nước ngày 2/3/2009

16:02 02/03/2009

*Không tăng giá sữa đến hết tháng 5.2009

Saigon Co.op cùng với hai công ty Vinamilk và Dutch Lady vừa đưa ra cam kết sẽ không tăng giá sữa trong hệ thống phân phối của Saigon Co.op, ít nhất đến hết tháng 5.2009.

Cam kết trên được thực hiện ngay sau khi thị trường sữa chộn rộn tăng giá vì hãng Abbott công bố tăng giá 4% với lý do tỉ giá VND/USD có chênh lệch, đã làm các đại lý bán lẻ bên ngoài nâng giá nhiều loại sữa nhập khác thêm vài ngàn đồng/lon.

Trong bối cảnh giá nguyên liệu sữa trên toàn cầu không tăng, giá bao bì vẫn đứng yên, giá các chất bổ sung như DHA, ARA, Calci, Vitamin... đều không có biến động, cam kết không tăng giá đã tạo yên tâm cho người tiêu dùng.

*Vật liệu xây dựng đua nhau giảm giá

Hầu hết các loại vật liệu xây dựng đều đang giảm giá khá mạnh. Giá vàng cao, lãi suất ngân hàng thấp... cũng là cơ hội tốt cho người cần xây, sửa nhà. Nếu xây nhà vào thời điểm này rẻ được 30%.

Theo các đơn vị sản xuất thép xây dựng, giá phôi thép trên thị trường thế giới hiện chỉ còn 380 USD- 400 USD/tấn (giảm 40 USD/tấn so với tháng trước). Các nhà máy thép bán ra từ 10,5 triệu- 11 triệu đồng/tấn. Tương tự, mặt hàng gạch ống xây dựng trong năm 2008 đã âm thầm tăng giá gần 100% thì nay cũng đã giảm giá mạnh. Chẳng hạn, loại gạch ống của Công ty Gạch ngói Đồng Nai, trước đây có lúc giá lên đến 1.700 đồng- 1.800 đồng/viên, nay giảm còn 1.300 đồng/viên. Gạch chất lượng tốt cũng giảm còn 650 đồng- 800 đồng/viên, gạch loại thường còn 450 đồng/viên...

Xi măng sau thời kỳ “sốt” giá, hiếm hàng thì nay cũng liên tục giảm hàng chục ngàn đồng/bao. Hiện giá xi măng Hà Tiên 1 còn 67.000 đồng/bao, Holcim 66.000 đồng/bao, Fico 64.000 đồng/bao... Do sức tiêu thụ kém nên không chỉ giảm giá, các hãng xi măng còn đua nhau khuyến mãi, khách mua 100 bao được tặng thêm từ 2 - 3 bao, tùy đơn vị.

Mặt hàng gạch trang trí, lót nền, các loại thiết bị vệ sinh cũng đã giảm giá bán từ 5%- 15%, tùy loại. Nhiều người bán VLXD cho biết: Hiện sức tiêu thụ có nhích lên nhưng so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái vẫn còn giảm từ 30%- 40%.

*Thị trường bán lẻ giấy vệ sinh tự ý tăng giá 15 -20%

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, trên thị trường bán lẻ giấy vệ sinh đang có hiện tượng các đại lý, cửa hàng tự ý tăng giá bán lên từ 400-500 đồng/cuộn (tương đương 15-20%), mặc dù Hiệp hội và các nhà máy sản xuất giấy khẳng định không tăng giá bán mặt hàng này.

Về vấn đề này, Hiệp hội cùng đại diện một số công ty như: Công ty Giấy Tissue Sông Đuống (các sản phẩm mang thương hiệu: Watar Silk), Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, khẳng định giá bán các sản phẩm của hai công ty không thay đổi và cam kết trong tình hình này sẽ không tăng giá nhằm giữ vững ổn định cho khách hàng. Các công ty cũng đề nghị, nếu khách hàng thấy các sản phẩm này có dấu hiệu đẩy giá lên thì phản ánh đến Hiệp hội và đại diện các công ty để có biện pháp xử lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.

*Thị trường đồ uống tại Việt Nam rất tiềm năng

Nhìn chung, thị trường đồ uống tại Việt Nam là một thị trường còn nhiều tiềm năng, đặc biệt tại các thành phố và thị trấn, nơi lối sống hiện đại đang ngày càng trở nên phổ biến dẫn đến sự gia tăng về nhu cầu thực phẩm đã qua chế biến và đóng gói.

Tổng lượng đồ uống bán lẻ được tiêu thụ tại Việt Nam vào năm 2012 sẽ tăng 46% so với năm 2007 (2007: 530 triệu lít, 2012: 970 triệu lít).

Ngoài ra mặt hàng sữa cũng đang trở nên phổ biến với lượng tiêu thụ sữa theo đầu người vào năm 2012 được dự kiến tăng 22% so với năm 2007 (2007: 1,8 lít, 2012: 2,2 lít).

*Thị trường bán lẻ vẫn chưa sôi động    

Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn chưa “bùng nổ” trong các tháng đầu năm 2009 như dự báo trước đó mặc dù thị trường này đã được mở cửa hoàn toàn cho các công ty nước ngoài.

Trong vòng 3 tháng qua, mới chỉ có thêm tập đoàn Lotte Mart (Hàn Quốc) chính thức tham gia vào thị trường bán lẻ của Việt Nam bằng việc liên doanh với đối tác trong nước mở siêu thị Lotte Mart Nam Sài Gòn, có tổng vốn đầu tư 70 triệu đô la Mỹ tại quận 7, TPHCM.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường RNCOS, doanh thu của thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo là sẽ tăng khoảng 13,6% trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012.

Hiện Việt Nam có khoảng 400 siêu thị, 60 trung tâm thương mại, 2.000 cửa hàng mua sắm tiện lợi, và hơn 900.000 các loại cửa hàng khác. Trong vòng 2 năm tới, các chuyên gia dự báo sẽ có khoảng 700 - 750 siêu thị, 150 trung tâm thương mại và hàng chục ngàn các cửa hàng tiện lợi.

 

 

Nguồn:Vinanet