menu search
Đóng menu
Đóng

EU có thể áp thuế chống bán phá giá đối với SP đinh ốc của Trung Quốc

09:51 11/11/2008
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc ngày 9/11 đã rất lấy làm tiếc trước quyết định của Ủy ban châu Âu (EC), sẽ đề nghị áp thuế chống bán phá giá lên tới 87% đối với các sản phẩm đinh ốc của Trung Quốc.
Hiệp hội các Công ty Xuất Nhập khẩu Đinh ốc Jiaxing của Trung Quốc cho rằng quyết định nói trên về cơ bản là sai lầm, vì những phân tích riêng của EC cho thấy các nhà sản xuất đinh ốc của châu Âu không bị tổn hại khi lượng nhập khẩu các sản phẩm này từ Trung Quốc gia tăng. Theo phân tích của EC, lợi nhuận của các nhà sản xuất châu Âu đã tăng 110% trong giai đoạn 2003-2007. Trong khi hoạt động sản xuất, doanh số bán, giá trị và lợi nhuận đầu tư của các nhà sản xuất châu Âu trong cùng kỳ cũng cho thấy những cải thiện tương tự, và thậm chí số lượng việc làm trong ngành cũng tăng 12%.
Ủy viên Thương mại của Liên minh châu Âu (EU), Catherine Ashton dự kiến sẽ đệ trình đề xuất áp đặt mức thuế chống bán phá giá khoảng 63-87% đối với các sản phẩm đinh ốc của Trung Quốc trong vòng 5 năm tới tại cuộc họp của các bộ trưởng thương mại 27 nước thành viên khối này sẽ diễn ra vào tháng tới. Quyết định này sẽ bao hàm 200 sản phẩm đinh ốc do Trung Quốc sản xuất, được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô, các ứng dụng gia đình lớn và máy móc tại EU. Theo hiệp hội trên, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm đinh ốc của Trung Quốc sang EU trong năm 2007 vào khoảng 575 triệu euro (736 triệu USD), biến cuộc điều tra mà EC tiến hành từ tháng 11/07 đối với các sản phẩm này của Trung Quốc trở thành một trong những cuộc điều tra lớn nhất mà uỷ ban này tiến hành kể từ trước đến nay xét về giá trị nhập khẩu.
Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu Trung Quốc tỏ ra hết sức bất bình khi các chi nhánh tại Trung Quốc của 2 công ty châu Âu là Agrati (Italia) và Celo (Tây Ban Nha), sẽ không bị áp thuế chống bán phá giá. Điều này có nghĩa là tất cả các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ bị loại khỏi thị trường châu Âu bởi quyết định chống bán phá giá nói trên, trong khi các nhà sản xuất lớn của châu Âu vẫn có thể tiếp tục nhập khẩu các sản phẩm đinh ốc do Trung Quốc sản xuất mà không phải chịu thuế. Điều này đặt ra câu hỏi về sự công bằng mà 2 nhà sản xuất châu Âu đòi được bảo vệ trước các sản phẩm đinh ốc của Trung Quốc, trong khi mà các chi nhánh tại Trung Quốc của họ, mặc dù cũng được hưởng lợi từ việc chi phí nhân công tương đối rẻ và trợ cấp chính phủ, lại không phải chịu thuế chống bán phá giá.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam