menu search
Đóng menu
Đóng

Giá dầu thực vật sẽ vững ở mức cao dù sản lượng tăng

15:16 23/05/2008
Giá dầu thực vật sẽ vững ở mức hiện nay cho tới hết năm mặc dù sản lượng ở những khu vực sản xuất chính sẽ tăng lên. Tính từ đầu năm 2007 tới nay, giá hạt có dầu và dầu thực vật tăng trung bình gấp đôi.
                            Trong hai năm qua, dự trữ dầu thực vật giảm sút mạnh, trong khi nhu cầu không ngừng tăng, không chỉ trong lĩnh vực thực phẩm mà trong cả lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh học. Kết quả là dự trữ giảm mạnh và giá tăng vọt. Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo thời tiết ở các khu vực trồng đậu tương của Nam Mỹ năm nay sẽ khả quan và diện tích trồng đậu tương ở Mỹ dự kiến tăng lên bởi người sản xuất được khích lệ khi thấy giá tăng cao, sẽ đẩy sản lượng tăng theo. Sản lượng dầu cọ ở Đông Nam Á dự báo cũng sẽ tăng lên. Nhờ đó, lượng dự trữ sẽ tăng chút ít, tuy nhiên vẫn chưa đạt mức cần thiết, và thời tiết cũng ảnh hưởng nhiều tới sản lượng, nên giá sẽ vẫn tiếp tục tăng.
               Diện tích trồng đậu tương Mỹ năm 2008 sẽ tăng khoảng 18%, và sản lượng sẽ theo đó tăng lên, đạt khoảng 83,5 triệu tấn trong năm 2008, so với 70,35 triệu tấn năm 2007. Sản lượng đậu tương Braxin năm nay dự kiến sẽ vào khoảng 61,8 triệu tấn, tăng so với 58,4 triệu tấn năm 2007. Tuy nhiên, sản lượng sẽ còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết trong những tháng tới. Giá dầu đậu tương đã tăng tới kỷ lục cao, khoảng 70 US cent/lb vào đầu tháng 3, và hiện giao dịch ở mức khoảng 57 US cent/lb.
Sản lượng dầu cọ Malaysia được dự báo cũng sẽ tăng lên 17,3 triệu tấn năm 2008, so với 15,8 triệu tấn năm 2007, trong khi sản lượng dầu cọ Indonexia dự báo sẽ tăng lên 18,8 triệu tấn, so với 16,8 triệu tấn. Sản lượng dầu cọ đang trong chu kỳ tăng giá, đồng thời diện tích trồng cọ cũng đang tăng, nhất là ở Indonexia, sẽ góp phần bù lại những ảnh hưởng xấu bởi thời tiết khả năng sẽ không thuận lợi trong tương lai gần. Giá dầu cọ thô đã tăng tới kỷ lục cao, 4.486 Ringgit/tấn vào đầu tháng 3, và hiện giao dịch ở mức khoảng 3.400 Ringgit/tấn trên thị trường Malaysia, sau khi dao động quanh mức 3.000 – 3.700 Ringgit/tấn hồi tháng 4. Nếu so với mức khoảng 2.000 Ringgit/tấn hồi đầu năm ngoái mới thấy giá mặt hàng này tăng mạnh đến mức nào. Dự báo giá dầu cọ cuối năm sẽ tăng lên 3.800 Ringgit/tấn. Tính trung bình cả năm, giá sẽ vào khoảng 3.500 Ringgit/tấn.
Mặc dù giá dầu thực vật cao song vẫn không ảnh hưởng tới nhu cầu ở một số nước, nhất là Trung Quốc, nơi nhu cầu khô dầu vẫn đang rất mạnh bởi sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Hiện Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ thiếu dầu ăn, do tiêu thụ ngày càng nhiều và nhu cầu dùng đậu tương cho bữa ăn ngày một gia tăng. Hiện 2/3 nhu cầu dầu ăn của Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, dựa vào nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cụ Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 8,38 triệu tấn dầu ăn và 30,82 triệu tấn đậu tương trong năm 2007, lần lượt tăng 1,69 triệu tấn và 2,58 triệu tấn so với năm 2006. Theo Cục Ngũ cốc Nhà nước Trung Quốc (SGA), mức tiêu thụ dầu ăn của nước này có thể lên tới 22,4 triệu tấn năm 2008, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2007. Các số liệu của SGA cho thấy, lượng tiêu thụ dầu ăn của Trung Quốc tăng đều đặn do cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện nhờ nền kinh tế trong nước tăng trưởng bùng nổ. Tiệu thụ dầu ăn tính theo đầu người của Trung Quốc hiện ở mức 17 kg/năm, tăng gần gấp đôi so với một thập kỷ trước. Tại Ấn Độ, nhu cầu dầu thực vật và hạt có dầu có thể tăng chậm lại bởi giá cao, song chưa chắc sẽ giảm xuống. Việc chính phủ Ấn Độ mới đây quyết định giảm thuế nhập khẩu là dấu hiệu cho thấy nguồn cung khan hiếm và giá sẽ còn tăng hơn nữa trên thị trường quốc tế.
               Dầu mỏ tăng giá đang khích lệ các nước tăng sản xuất nhiên liệu sinh học, mà dầu ăn là một trong các nguyên liệu chính. Do vậy, khả năng giá dầu thực vật sẽ duy trì ở mức cao như hiện nay, thậm chí có thể tăng hơn nữa trong những tháng tới, mặc dù triển vọng sản lượng khả quan.
 

Nguồn:Vinanet