menu search
Đóng menu
Đóng

Giá gạo Thái Lan, Ấn Độ phục hồi, Việt Nam vẫn giảm

16:15 15/07/2015

Trong khi giá xuất khẩu gạo của Thái Lan và Ấn Độ đang có xu hướng tăng trở lại, thì tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn trầm lắng, giá tiếp tục suy giảm.
Theo trang thông tin chuyên nghiên cứu và phân tích thị trường lúa gạo thế giới (Oryza.com), hiện gạo loại 100% B của Thái Lan (tương đương gạo 5% tấm của Việt Nam) đang được chào bán với giá 400-410 đô la Mỹ/tấn, tăng 25 đô la Mỹ/tấn so với mức giá hồi cuối tháng 6. Giá chào xuất khẩu gạo loại 5% tấm của Ấn Độ cũng tăng khoảng 10 đô la Mỹ/tấn và hiện được giao dịch ở mức 385-395 đô la Mỹ/tấn.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho biết hiện gạo 5% tấm được chào bán ở mức 345-355 đô la Mỹ/tấn, giảm khoảng 5 đô la Mỹ/tấn so với mức giá hồi cuối tháng 6 vừa qua.

Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, thời tiết khô hạn xảy ra gần đây đã ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo của Thái Lan, Ấn Độ và đây cũng là nguyên nhân đẩy giá xuất khẩu gạo ở những quốc gia này tăng trở lại.

Giá gạo tăng cũng là nguyên nhân khiến Thái Lan hạ dự báo xuất khẩu năm 2015 xuống chỉ còn 9,5 triệu tấn, từ mức 10 triệu tấn được đưa ra trước đó vì lo ngại điều này có thể đẩy khách hàng của họ vào tay các đối thủ cạnh tranh khác.

Diễn biến thị trường lúa gạo trong nước gần đây vẫn khá trầm lắng, giá tiếp tục suy giảm.

Theo ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), thời điểm này mọi năm, xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều, nhưng từ đầu năm đến nay, bán gạo tiểu ngạch đi Trung Quốc bị “siết” lại nên xuất khẩu khó khăn, giá giảm.

Còn đối với bán gạo chính ngạch, ông Tuấn cho biết: “Các nước nhập khẩu biết mình đang vô vụ thu hoạch, doanh nghiệp thiếu vốn phải vay ngân hàng, kế cả mua tạm trữ vụ đông xuân rồi chỉ 1-2 tháng nữa sẽ đến hạn trả nợ nên họ tìm cách ép giá, không vội mua vào, cho nên cũng tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp”.
..................
>>> Đọc toàn bài trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Theo Trung Chánh
Thời báo Kinh tế Sài Gòn