menu search
Đóng menu
Đóng

Giá nhập khẩu nhóm thuốc tim mạch trong 6 tháng đầu năm 2008 biến động mạnh

14:25 16/07/2008
Trong 6 tháng đầu năm 2008, kim ngạch nhập khẩu nhóm thuốc tim mạch đạt 33 triệu USD, tăng 3% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, Pháp, Đức, Áo và Hungary... là những thị trường cung cấp nhiều mặt hàng với trị giá nhập khẩu đạt cao nhất.
Giá nhập khẩu thuốc tim mạch từ đầu năm đến nay khá biến động so với giá nhập khẩu các nhóm hàng khác. Khảo sát 700 lô hàng có đến 5% mặt hàng có giá thay đổi so thời điểm nhập khẩu trước.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan trong 6 tháng đầu năm 2008 cho thấy, nhóm thuốc tim mạch hiện đang đứng ở vị trí thứ ba về trị giá nhập khẩu và đứng ở vị trí thứ năm về lượng thuốc cung cấp vào nước ta. Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 6 vừa qua đạt gần 4 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu chung trong 6 tháng đầu năm lên 33 triệu USD, tăng không đáng kể 3% so cùng kỳ năm trước và chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch nhập khẩu thuốc tân dược của cả nước.
Cơ cấu thị trường cung cấp thuốc tim mạch hiện nay vẫn ổn định với 28 thị trường không có sự khác biệt về số lượng so cùng kỳ năm trước. Thị trường Pháp là nhà cung cấp số 1 với chủng loại đa dạng nhất, trị giá nhập khẩu lên đến 12 triệu USD. Trong khi, trị giá nhập khẩu nhóm thuốc này từ các thị trường như Đức, Áo và Hungary chỉ xấp xỉ ở mức 2,5 triệu USD đối với mỗi thị trường. Các thị trường cung cấp khác như Italy, Ấn Độ, Hồng Kông, Australia do số  mặt hàng cung cấp có sự hạn chế, đơn giá nhập khẩu thấp nên mỗi thị trường chỉ ổn định ở mức 1-2 triệu USD. Nhìn chung, sự gia tăng về trị giá nhập khẩu từ các thị trường so cùng kỳ năm trước là không đáng kể.
Đáng chú ý, giá nhập khẩu thuốc tim mạch từ đầu năm đến nay lại khá biến động so với giá nhập khẩu các nhóm hàng khác. Tiến hành khảo sát 700 lô hàng thuốc thành phẩm nhập khẩu thuộc nhóm thuốc tim mạch trong 6 tháng đầu năm 2008, kết quả cho thấy thuốc có giá thay đổi so thời điểm nhập khẩu trước chiếm một tỉ lệ tương đối lớn 5%. Đáng chú ý, một số mặt hàng được nhập thường xuyên và đều đặn thì giá cả lại biến động hơn cả như: aprovel 150mg và 300mg, cavinton, co-aprovel 150mg/12,5mg và 300mg/12,5mg... Trong đó, thị trường Pháp, Hungary, Pakistan là những nước tập trung nhiều mặt hàng có giá thay đổi nhnất. Những nguyên nhân khách quan khiến giá một số mặt hàng thường xuyên thay đổi như vậy có thể là do sự biến động của tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển, bao bì... cũng tăng theo nhưng nguyên nhân chính là do đặc thù của nhóm hàng này, chủ yếu là các loại thuốc đặc trị, người sử dụng phải dùng thuốc lâu dài, trong khi các mặt hàng thuốc sản xuất trong nước chưa thể đáp ứng được.
(TTTMVN)
 

Nguồn:Vinanet