Yếu tố đầu tiên phải kể đến việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có những động thái hợp tác điều tiết giá dầu.
Mặc dù hiện để ngỏ các cuộc thảo luận về việc thiết lập một mức giá thích hợp đối với "vàng đen," nhưng OPEC cũng nhấn mạnh sẽ nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho thị trường dầu đạt trạng thái cân bằng, với mức giá hợp lý.
Đây là một tin tốt cho các nước xuất khẩu dầu mỏ, bởi nhiều nước chủ chốt trong OPEC (Saudi Arabia…) vẫn tuyên bố duy trì sản lượng khai thác dầu thô bất chấp tình trạng dư cung.
Yếu tố quan trọng thứ hai liên quan việc Mỹ tái cơ cấu các kho dự trữ dầu thô của mình. Cụ thể lượng dự trữ dầu thô của nước này hiện thấp hơn dự đoán của thị trường và chỉ đạt 4,7 triệu thùng trong cả nước.
Theo thống kê của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, nước này sản xuất từ 40.000-130.000 thùng mỗi ngày trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2015, nhưng đã giảm xuống dưới 100.000 thùng/ngày trong tháng 6.
Những rủi ro tiềm ẩn đối với các công ty khai thác dầu mỏ ở Bắc Mỹ là yếu tố thứ 3 tác động tới giá dầu.
Cụ thể, cơn bão nhiệt đới Erika gây nhiều thiệt hại cho bang Florida và các tiểu bang lân cận khiến giới đầu tư quan ngại về những tác động đối với hoạt động khai thác và sản xuất dầu ở Vịnh Mexico, cũng như ở New Jersey và các cơ sở sản xuất chính ở khu vực Bắc Mỹ.
Trong khi đó, giới phân tích dự đoán việc hai nhà sản xuất dầu lớn của Canada ngừng hoạt động tạm thời do hỏa hoạn có thể hạn chế đáng kể việc cung cấp dầu mỏ, từ đó giữ được “vàng đen” dao động quanh mức giá hiện tại 45 USD/ thùng.
Những thay đổi trong chiến lược năng lượng của Nga cũng có thể coi là một yếu tố hỗ trợ giá dầu.
Hiện Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đàm phán với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro về kế hoạch song phương có thể chấp nhận được nhằm bình ổn giá dầu theo hướng có lợi cho các nước xuất khẩu dầu mỏ, trong bối cảnh hai nền kinh tế này đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời kỳ giá dầu sụt giảm và dư thừa nguồn cung.
Đầu tư khai thác dầu tại Biển Bắc sụt giảm mạnh được đánh giá là yếu tố thứ năm tác động tới giá dầu.
Theo báo cáo ngày 9/9 vừa qua của Cơ quan dầu khí Anh (Oil & Gas UK), vốn đầu tư cho công nghiệp khai thác dầu tại Biển Bắc có thể sụt giảm tới 80% từ nay đến năm 2017, giảm từ 22,6 tỷ USD năm 2014 xuống còn 3-6 tỷ USD trong năm 2017.
Việc thăm dò, khai thác các mỏ dầu mới tại Biển Bắc cũng giảm xuống thấp kỷ lục kể từ năm 1970, khiến giảm lượng cung dầu trên thị trường và góp phần giữ giá "vàng đen" không bị xuống thêm.
Yếu tố cuối cùng góp phần chi phối thị trường dầu mỏ là việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 3/9 bỏ ngỏ khả năng tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ để kích thích các chỉ số giá.
Điều này có nghĩa là ECB sẽ sẵn sàng mở rộng gói nới lỏng định lượng (QE) đang áp dụng nếu giá hàng hóa tiếp tục giảm, góp phần làm tăng tính thanh khoản trên thị trường, tăng chi tiêu tiêu dùng và đầu tư, từ đó làm tăng tổng cầu.
Điều này có thể gây áp lực tăng giá hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, trong đó có dầu thô./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Nguồn:TTXVN/Vietnam+