menu search
Đóng menu
Đóng

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may, kiềm chế nhập siêu từ nay đến năm 2010

08:47 16/12/2008

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2008 đạt 9,5 tỉ USD và đến năm 2010 sẽ đạt kim ngạch 12,5 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 17,4%/năm.
Đối với mặt hàng này, bên cạnh yếu tố nâng cao giá trị tăng thêm của sản phẩm, việc mở rộng qui mô sản xuất và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu là yếu tố cơ bản để có thể tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.
Các thị trường trọng điểm vẫn là các thị trường có sức mua lớn như Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các thị trường nhỏ lẻ nhưng đóng vai trò là trung tâm mua sắm của các khu vực như Hồng Kông, Singapore, Thuỵ Sĩ, Anh…
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu đề ra, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Đối với thị trường Mỹ: tiếp tục hoàn thiện hệ thống điều hành hai chiều giữa Bộ Công Thương và hải quan. Đồng thời triển khai hoạt động của Tổ kiểm tra cơ động. Tổ chức làm việc với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lớn đặc biệt là xuất khẩu những mặt hàng trong diện giám sát để nắm rõ khả năng sản xuất, xuất khẩu luôn luôn nắm thế chủ động và đưa ra kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu phù hợp, vừa có sự kế thừa vừa có tính phát triển.
Đối với thị trường Nhật Bản: Tổ chức, liên kết với Nhật Bản hỗ trợ xây dựng Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu dệt may và Trung tâm đào tạo chất lượng cao và hợp tác quốc tế cho ngành dệt may nhằm cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và đào tạo cán bộ kỹ thuật tay nghề cao và cán bộ thiết kế, thời trang cho ngành. Tổ chức xúc tiến thương mại tại Nhật Bản để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Đối với thị trường EU: Nghiên cứu tác động của thị trường EU khi Trung Quốc được bãi bỏ hạn ngạch dệt may để giúp các doanh nghiệp định hướng mặt hàng và nước xuất khẩu mà hàng dệt may có khả năng cạnh tranh cao.
Giải pháp phát triển ngành dệt may:
Dù là những mặt hàng gia công là chủ yếu (trên 70%) nhưng đây là những ngành giải quyết được một lượng lao động to lớn (chỉ tính riêng dệt may đã có tới gần 3 triệu lao động) và cũng là ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất, nhì (dự kiến xuất khẩu 2008, dệt may 9,5 tỉ và giày dép 4,6 tỉ USD) nên cần có sự quan tâm phát triển những mặt hàng này, trong đó:
Hình thành chợ nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày để phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất của hai ngành này. Xem xét việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ nguyên phụ liệu cho dệt may, da giày.
Tăng cường tìm kiếm bạn hàng và ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp trên cơ sở tăng cường năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm và gia tăng tỉ lệ nguyên phụ liệu trong nước tự đáp ứng được. Đẩy mạnh khai thác những thị trường ngách, thị trường nhỏ nhưng chấp nhận mức giá cao và ưa thích các sản phẩm đặc thù…
Đầu tư cho việc nghiên cứu mẫu, mã, mốt thời trang quốc tế, nắm bắt kịp thời xu thế lớn trong ngành thời trang. Nhà sản xuất phải thể hiện được phong cách riêng với khách hàng, đa dạng hoá sản phẩm, phương thức kinh doanh.

Nguồn:Vinanet