Phát triển của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam vẫn mang nặng tính tự phát, chưa theo quy hoạch.
Những năm gần đây, ngành nhựa Việt Nam phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20 - 25%/năm. Toàn ngành hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 90% là doanh nghiệp tư nhân. Sản phẩm nhựa của Việt Nam được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường nội địa và xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy vậy, ngành nhựa vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp và sự phát triển chung của toàn ngành.
Theo Bộ Công thương, trong năm 2010, tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của ngành nhựa ổn định và tăng trưởng tốt. Trong năm qua, với sự hoạt động tích cực của Hiệp hội nhựa Việt Nam, các doanh nghiệp ngành nhựa tham gia vào các chương trình xúc tiến thương mại để tìm hiểu cơ hội mở rộng thị trường và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới vào Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu năm 2010 của toàn ngành nhựa ước đạt trên 1 tỷ USD. Sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện đang có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, EU, châu Phi, Trung Đông, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc... Ở thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp nhựa đã tạo dựng được thương hiệu, uy tín sản phẩm như ống nhựa của các công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh, Tiền Phong, Minh Hùng; Bao bì nhựa của công ty Bao bì nhựa Tân Tiến, Vân Đồn; chai PET và chai ba lớp của các công ty Nhựa Ngọc Nghĩa, Tân Phú...
Lĩnh vực sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa, trong năm qua, có nhiều bước phát triển. Công ty TNHH Nhựa và Hóa chất (TPC VINA) đã đầu tư tăng thêm công suất 90 nghìn tấn/năm; nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa PP ở khu kinh tế Dung Quất mới đưa vào sản xuất được khoảng 6 tháng nay nhưng đã khai thác được 100% công suất (150 nghìn tấn/năm) cung cấp hạt nhựa Polypropylen ra thị trường và có chất lượng tương đương nguyên liệu nhập khẩu. Tuy vậy, nguyên liệu nhựa sản xuất trong nước còn rất hạn chế về chủng loại và sản lượng. Mỗi năm, ngành nhựa cần trung bình khoảng 2,2 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS... chưa kể hàng trăm loại hóa chất phụ trợ khác nhau, trong khi sản xuất trong nước mới chỉ cung cấp được khoảng 450.000 tấn nguyên liệu.
Do chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, nên giá thành sản xuất của ngành nhựa cũng bị biến động theo giá nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là hai loại nguyên liệu được sử dụng nhiều trong sản xuất là PP và PE, với mức tăng trung bình là 13%. Tỷ giá USD/VND biến động mạnh, đã khiến cho doanh nghiệp nhựa chịu tác động kép từ giá cả nguyên liệu đầu vào, làm cho lợi nhuận giảm sút, hoặc không có lợi nhuận.
Mặt khác, số lượng mẫu mã, chủng loại sản phẩm nhựa sản xuất của Việt Nam còn đơn điệu, chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng của các nhà nhập khẩu, của các ngành kinh tế sử dụng sản phẩm nhựa kỹ thuật. Đối với các sản phẩm nhựa gia dụng, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầu tư sản xuất và tạo dựng được thương hiệu trên thị trường như nhựa Song Long, nhựa Tân Tiến... Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành nhựa, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn trong công tác tạo khuôn mẫu. Đối với hàng gia dụng, mỗi sản phẩm cần rất nhiều bộ khuôn, mẫu mã đa dạng, liên tục thay đổi nhưng nước ta không có trường đào tạo, chủ yếu copy mẫu của nước ngoài, chưa có nhiều sáng tạo...
Cho dù có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng ngành nhựa Việt Nam chủ yếu được biết đến như là một ngành gia công chất dẻo, giá trị gia tăng thấp. Giá trị xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam thời gian qua đạt mức cao và tăng trưởng nhanh nhưng mới chiếm 0,02% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nhựa toàn cầu. Các doanh nghiệp nhựa trong nước quy mô vốn nhỏ nên đang chịu áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI có thế mạnh về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ. Thêm vào đó, ngành công nghiệp tái chế phế liệu nhựa của Việt Nam chưa phát triển, chưa có hệ thống thu gom phế liệu nhựa, nên chưa cung cấp được nguyên liệu nhựa tái chế đạt chất lượng, giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm. Trong khi việc nhập phế liệu theo quy định hiện hành rất hạn chế.
Phát triển của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam vẫn mang nặng tính tự phát, chưa theo quy hoạch. Các doanh nghiệp tư nhân ngành nhựa thường tập trung sản xuất những mặt hàng ăn khách, dẫn đến tình trạng chồng chéo, cạnh tranh lẫn nhau, gây lãng phí về vốn và ít hiệu quả kinh tế. Một khó khăn nữa là cho đến nay chưa có một trung tâm hay trường đào tạo nhân lực bài bản cho ngành nhựa. Vì vậy, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề.
Theo Báo Nhân dân
Nguồn:Vinanet