menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế Canađa đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức năm 2009

13:54 02/01/2009
Người dân Canađa đã trải qua năm 2008 với ít nỗi lo về tài chính hơn các gia đình ở Mỹ và nhiều nước khác nhờ nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng muộn từ cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát ở Mỹ. Tuy vậy, khi năm mới 2009 đã đến, ngay cả những dự báo lạc quan nhất cũng cho rằng kinh tế Canađa sẽ phải chịu thâm hụt ngân sách trong năm 2009, tình trạng giống như những tháng suy thoái gần đây, thêm nhiều người sẽ bị mất việc làm (ước tính khoảng 200.000 người) khi kinh tế suy thoái trầm trọng hơn.
Cơn "sóng thần" khủng hoảng tài chính toàn cầu tấn công nền kinh tế Canađa muộn nhưng nó đang tràn vào khá sâu trong nội địa, nhấn chìm nền kinh tế được xem là một trong những thành trì kiên cố nhất, từng đứng vững trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cách đây một thập kỷ và sự xuống dốc của kinh tế Mỹ sau sự kiện 11/9/01.
Cuối năm 2008, cơn bão suy thoái đã tràn vào kinh tế Canađa và chỉ trong tháng 11/08 đã khiến 70.000 người bị mất việc làm, tình hình tồi tệ tiếp tục kéo sang tháng 12/08 với số thất nghiệp tăng lên không chỉ đối với ngành sản xuất ô tô mà xảy ra ở mọi khu vực, mọi vùng miền. Giá nhà đất sau gần 1 năm giữ được tình trạng ổn định nhưng đến cuối năm cũng sụt giảm mạnh. Hiệp hội Bất động sản Canađa cho biết giá 1 căn hộ trung bình của Canađa hiện chỉ khoảng 280.000 CAD, giảm 10% so với mức giá 311.485 CAD cuối năm 2007. Dự báo thị trường nhà đất khó phục hồi trong năm 2009.
Theo Bộ trưởng Tài chính Canađa Jim Flaherty, nền kinh tế Canađa tiếp tục trên đà suy thoái và riêng quý IV/08 sẽ giảm 2%. Tình hình này dự kiến sẽ kéo sang ít nhất 2 quý đầu năm 2009. Trong khi đó, Thủ tướng Canađa Stephen Harper cho biết chính phủ nước này đã phải nghiên cứu đến những bài học của cuộc "Đại suy thoái" trong thập niên năm 1930 để áp dụng cho tình hình hiện nay. Ông Harper thừa nhận "chưa từng chứng kiến tình trạng khó khăn như hiện nay của kinh tế Canađa. Một bài học lớn được rút ra từ cuộc Đại suy thoái năm 1930 là chính phủ không được khoanh tay ngồi nhìn trong khi các mầm mống ung thư dần lan rộng".
Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và một số nước khác đã đưa ra các gói kích thích tài chính trị giá tổng cộng hàng nghìn tỷ USD. Trong khi đó, đến cuối tháng 1/09, Canađa mới quyết định sẽ chi bao nhiêu cho gói kích thích của mình, dự kiến sẽ vào khoảng 20 tỷ CAD (17 tỷ USD). Riêng ngành công nghiệp ô tô Canađa sẽ nhận được khoản hỗ trợ 4 tỷ CAD, đây là một phần trong nỗ lực tái cơ cấu nền công nghiệp ô tô Bắc Mỹ.
Đa số ý kiến của các chuyên gia cho rằng những nỗ lực của Chính phủ Canađa sẽ không cứu được nền kinh tế nước này thoát khỏi suy thoái trong năm 2009. Dự kiến, trong 2 quý cuối năm 2009, kinh tế Canađa sẽ đi lên nhưng chỉ có thể tăng trưởng dương từ nửa cuối 2010. Một số ngân hàng lớn của Canađa như Nova Scotia hay Bank of Montreal vừa đưa ra dự báo kinh tế Canađa năm 2009 sẽ giảm lần lượt -1,2% và -1,3%.
Tuy vậy, tia sáng le lói đối với triển vọng tài chính, kinh tế toàn cầu đã xuất hiện cuối đường hầm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự phục hồi sắp sửa xảy ra và nó được tạo bởi một số yếu tố. Chắc chắn rằng điều tốt đẹp phải đến khi hàng nghìn tỷ USD được các quốc gia trên khắp thế giới đổ ra. Một điểm sáng khác là giá dầu rẻ giúp các hoạt động kinh tế giảm bớt chi phí và giúp hầu bao của người tiêu dùng dỡ bị co lại. Niềm tin của người tiêu dùng sẽ dần tăng khi nó hiện đang ở mức thấp nhất trong 1/4 thế kỷ qua. Sự tin tưởng về khả năng sớm phục hồi kinh tế cũng được Ngân hàng trung ương Canađa khẳng định qua báo cáo Đánh giá Hệ thống Tài chính của họ:: "Về tổng thể, mặc dù có những suy thoái nhất định nhưng tình hình tài chính của người dân Canađa vẫn khá lạc quan".

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam