menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế châu Á vẫn khả quan trong 2 năm tới

10:30 07/08/2008
Trước những lo ngại về lạm phát gia tăng và nhu cầu hàng hóa toàn cầu suy giảm, nguy cơ đối với nền kinh tế châu Á đã bắt đầu lớn dần kể từ quý II/08. Tuy nhiên, Mạng Tin Tình báo Kinh tế (EIU) cho rằng khu vực này vẫn có triển vọng tăng trưởng khả quan trong vòng 2 năm tới, nhờ khả năng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa. EIU dự báo kinh tế châu Á (trừ Nhật bản) sẽ đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2008, so với 8,3% năm 2007.
Theo EIU, tăng trưởng kinh tế của châu Á thậm chí còn giảm xuống 6,5% trong năm 2009, do chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát sẽ phát huy tối đa trong năm tới và đà tăng chậm lại của kinh tế Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới làm giảm nhu cầu hàng hoá châu Á. Tuy vậy, giữa lúc nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hiện nay, thì mức tăng trưởng GDP trên 6% có thể được coi là rất khả quan. Mức này vượt xa mức tăng 4,2% mà châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) ghi được năm 2001 (thời điểm kinh tế thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng xuất phát từ kinh tế Mỹ) và 0,8% năm 1998 (thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á). Tuy nhiên, kinh tế châu Á vẫn sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro trong những năm tới.
Cho dù vấn đề của kinh tế toàn cầu đang là chủ đề nỏng bỏng, nhưng châu Á thực tế vẫn đang trải qua thời kỳ phát triển tốt hơn dự báo trong quý I năm nay. Các hoạt động kinh tế vẫn nhộn nhịp do đầu tư và tiêu thụ tiếp tục tăng mạnh. Thực tế xuất khẩu vẫn tăng mạnh cho dù nhu cầu hàng của Mỹ có giảm. Điều này xảy ra ở các mức độ khác nhau khi đồng tiền của một số nước mất giá, xuất khẩu nội bộ châu Á tăng đáng kể và xuất khẩu của khu vực sang các nước xuất khẩu dầu ở Trung Đông tăng mạnh.
Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của châu Á bắt đầu giảm sút trong quý II/08. Các số liệu công bố ở một số nước cho thấy, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm xuống 10,1% trong quý này, so với mức 10,6 % trong quý I, GDP của Xingapo giảm thảm hại xuống 1,9%, từ mức 6,9% trong quý I/08. Còn Việt nam, tăng trưởng kinh tế chỉ còn 5,6%, từ mức 7,4% trong quý I.
Các nước khác cũng sẽ lần lượt công bố các số liệu tăng trưởng GDP kinh tế trong vài tuần tới. Nhưng các chỉ số khác như tăng trưởng sản lượng công nghiệp và mức bán lẻ cho thấy tăng trưởng đã chậm lại trong toàn bộ khu vực châu Á. Nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu, và khi kinh tế toàn cầu chậm lại thì cũng có nghĩa là đóng góp của thương mại cho GDP giảm xuống.
EIU dự báo đầu tư sẽ vẫn có triển vọng tốt, bất chấp thực tế truyền thống là đầu tư thiếu ổn định hơn so với tiêu dùng cá nhân trong thời kỳ kinh tế đi xuống. Một số nhân tố của châu Á sẽ trợ giúp cho sự tăng trưởng đầu tư, bao gồm triển vọng kinh tế khá sáng sủa. Điều này khuyến khích các công ty mở rộng sản xuất.
Dù về tổng thể kinh tế châu Á khá khả quan, song nền kinh tế khu vực vẫn có nguy cơ lớn. Rủi ro lớn nhất hiện nay là lạm phát. Lạm phát cao đe doạ nền kinh tế theo hai cách chính. Thứ nhất, lạm phát cao ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng, giảm giá trị thực đối với chi tiêu của người tiêu dùng. Giá lương thực cao đè nặng lên các chính phủ. Các nước có lạm phát cao buộc phải đình hoãn hay bãi bỏ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn và thay vào đó buộc phải chi cho các chương trình cứu trợ và trợ cấp cho ngưởi nghèo. Vấn đề thứ hai là chính sách tỷ giá. Nhiệm vụ lớn nhất hiện nay của nhiều ngân hàng trung ương châu Á là kiểm soát lạm phát, và công cụ truyền thống mà ngân hàng trung ương sử dụng là điều chỉnh lãi suất. Các ngân hàng trung ương châu Á đã tiến hành nâng lãi suất và thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, mặc dù họ bị chỉ trích là hành động quá chậm. Trong mấy tháng qua, các ngân hàng trung ương của Ấn Độ, Thái Lan, Philíppin, Việt Nam và Inđônêxia đều đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Lãi suất cao sẽ hạn chế các hoạt động kinh tế do các công ty chi phí nhiều hơn với các khoản vay, làm giảm tăng trưởng trong đầu tư và tiêu dùng.
Kinh tế Mỹ đang trên đà suy giảm, còn kinh tế khu vực Eurozone và Nhật Bản đang đối mặt nguy cơ lớn. Kinh tế châu Á đã duy trì được tốc độ tăng trưởng trong mấy năm gần đây chính nhờ chính sách đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, thay vì chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống. Xuất khẩu của châu Á (không kể Nhật Bản) sang Mỹ, Nhật Bản và Eurozone chiếm 44,7% tổng khối lượng hàng hoá xuất khẩu năm 2000 của khu vực. Năm 2007, tỷ lệ này giảm xuống còn 34,9%, chủ yếu do xuất khẩu nội khu vực (nhất là xuất sang Trung Quốc) tăng mạnh và nhu cầu của các nước xuất khẩu dầu lửa ở vùng Vịnh tăng vọt. Xu hướng này giúp xuất khẩu của châu Á vẫn tăng khởi sắc năm năm nay. Tuy nhiên, Mỹ và khu vực Eurozone vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của châu Á. EIU dự đoán, suy thoái ở Mỹ và khu vực Eurozone sẽ làm tổn hại tăng trưởng GDP của châu Á trong năm nay và năm tới.
Kinh tế châu Á sẽ rất đa dạng theo từng khu vực. Malaixia và Inđônêxia - hai nước xuất khẩu nguyên liệu lớn - sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự tăng giá của thị trường nguyên liệu hiện nay. Kinh tế Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng chậm lại so với mức 11,9% của năm 2007, và dự kiến đạt trung bình 9,4% trong năm 2008-2009, nhu cầu nội địa của Trung Quốc sẽ trở thành động lực tăng trưởng chủ yếu của kinh tế nước này. Nhu cầu hàng hoá thế giới giảm sẽ có một vài tác động tiêu cực tới triển vọng kinh tế Ấn Độ trong vài năm tới. Tuy nhiên, Ấn Độ là nước ít phụ thuộc vào xuất khẩu nên nền kinh tế dự kiến vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt. Tương tự, tăng trưởng tại các nước đang trải qua nạn lạm phát trầm trọng như Việt Nam, Pakixtan và Philíppin sẽ chậm lại do chính sách thắt chặt tiền tệ, trong khi các nền kinh tế mở như Hồng Công và Xingapo sẽ chậm lại do xuất khẩu giảm sút.
Vietstock

Nguồn:Internet