menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế Inđônêxia trước tác động của khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu

09:42 11/12/2008
Cũng như các nền kinh tế khác trên thế giới, kinh tế Inđônêxia đã và đang bị tác động bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, với những dấu hiệu càng ngày càng rõ nét, buộc chính phủ nước này phải thực hiện nhiều biện pháp tích cực, nhằm ứng phó với những hiệu ứng của cuộc khủng hoảng đối với triển vọng tăng trưởng. Giới phân tích nhận định trong năm 2009, nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á này sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng với mức độ khó dự đoán, và Inđônêxia cần ít nhất 2 năm để có thể vượt qua những khó khăn hiện nay.
Theo Cơ quan Thống kê Trung ương Inđônêxia (BPS), kinh tế nước này đã tăng trưởng khá ở mức 6,28% trong quý I/08, cao hơn 2,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2007. Đầu tư trong quý này tăng 13,3%; chi tiêu chính phủ tăng 3,6%; sản lượng gạo tăng 1,22 triệu tấn; số lao động thất nghiệp giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2007, xuống 9,43 triệu người; xuất khẩu tăng 31,34% nhờ giá dầu thô tăng cao trên thị trường thế giới.
Ông Anggito Abimanyu, quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính Inđônêxia, cho rằng các số liệu nói trên cho thấy nền kinh tế Inđônêxia trong quý I/08 vẫn chưa bị tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Mặc dù vậy, chỉ số lòng tin kinh doanh trong quý này đã giảm từ 112,25 điểm trong quý IV/07, xuống 104,41 điểm. Chính phủ Inđônêxia trước đó đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,4% năm 2008, song Bộ trưởng Tài chính Sri Muluani Indrawati nhận định mức đạt được sẽ thấp hơn, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ngày một trầm trọng hơn.
BPS cho biết, trong quý II/08, kinh tế Inđônêxia chỉ tăng trưởng ở mức 6,2%, thấp hơn so với g quý I; mức tăng đầu tư chỉ đạt 12,8%, thấp hơn trước đó. Trong quý III/08, tăng trưởng GDP của Inđônêxia là 6,1%, mức thấp nhất trong 18 tháng qua, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu làm cho nhu cầu về hàng hóa của Inđônêxia ngày một sụt giảm trên thị trường quốc tế; kim ngạch khẩu quý Ihầu như không tăng so với quý I; tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào chi tiêu tiêu dùng trong nước (chiếm 57,8%), đầu tư (chiếm 27,5%) và chi tiêu công (8,5%). GDP của Inđônêxia đạt khoảng 310,72 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2008.
BPS dự đoán kinh tế của Inđônêxia tiếp tục tăng trưởng chậm lại trong quý IV/08, song vẫn đạt 6% trong cả năm nay. Tính đến ngày 31/10, dự trữ ngoại tệ của Inđônêxia chỉ ở mức 50,58 tỷ USD, và nợ nước ngoài là 67 tỷ USD.
Ông Myra M. Hanartani, Tổng Cục trưởng Cục các vấn đề Quan hệ công nghiệp và An toàn lao động, thuộc Bộ Công nghiệp Inđônêxia, cho biết tính đến cuối tháng 11/08, số người thất nghiệp ở Inđônêxia đã tăng thêm 15.000 người, và sắp tới số người bị sa thải dự kiến sẽ tăng thêm 50.000 người. Chính phủ Inđônêxia đang tiến hành nghiên cứu và đánh giá tình hình kinh tế ở một số khu vực như Giacácta, Tây Java, Trung Java, Đông Java, Tây Kalimantan, Trung Kalimantan và Riau để tìm giải pháp đối phó. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Inđônêxia (KADIN) cho biết trong 6 tháng tới, khoảng 200.000 người lao động nước này sẽ bị mất việc làm, trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước làm ăn thua lỗ do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Một trong những yếu tố tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp Inđônêxia chính là sự sụt giá của đồng rupiah so với các ngoại tệ khác, nhất là đồng USD. Đồng rupiah yếu đã kìm hãm hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, trong khi nhu cầu về hàng hoá ở nước ngoài cũng giảm sút. Tình hình kinh tế ở Inđônêxia đã bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn.
Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono mới đây tuyên bố hệ thống kinh tế toàn cầu hiện không thể đảm bảo mang lại sự thịnh vượng đồng đều cho tất cả các nước trên thế giới. Theo ông Bambang, nguyên nhân sâu sắc của sự suy thoái kinh tế toàn cầu xuất phát từ sự mất cân bằng giữa cung-cầu kèm theo yếu kém trong kiểm soát hoạt động đầu cơ trên thị trường. Ngoài ra, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã không thực hiện đầy đủ các biện pháp tích cực để kiểm soát tình hình. Tổng thống Bambang cho rằng để ứng phó với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Inđônêxia cần nghiên cứu nguồn tài nguyên thiên sẵn có trong nước nhằm phát triển kinh tế mang tính tự lực tự cường và bền vững. Muốn phát triển nền kinh tế tự lực tự cường, Inđônêxia cần tập trung huy động nguồn vốn trong nước, hơn là phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ bên ngoài.
Ngày 28/10, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Inđônêxia (ICB) đã đưa ra 10 biện pháp nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ các dự án được cấp vốn bằng đồng USD; chính phủ mua lại các trái phiếu chính phủ; thực hiện các hiệp định song phương về trao đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nếu cần thiết trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+3; bãi bỏ bỏ thuế xuất khẩu dầu cọ (có hiệu lực từ ngày 1/11).
Bộ trưởng Tài chính Inđônêxia, Sri Mulyani, ngày 6/12 tuyên bố nước này đã vay được 5 tỷ USD của Ôxtrâylia, Nhật Bản, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và WB, và có thể rút tiền bất cứ lúc nào khi cần thiết. Số tiền dự trự này chỉ được sử dụng nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống dưới 5,8% vào quý I/09. Ngoài khoản vay dự trữ trên, Inđônêxia cũng đã ký các thoả thuận vay song phương (BSA) với Nhật Bản trị giá 6 tỷ USD, với Trung Quốc 4 tỷ USD và Hàn Quốc 2 tỷ USD để hỗ trợ khả năng thiếu thanh khoản. Thống đốc ICB, Boediono nói Inđônêxia sẽ nhận 2 tỷ USD từ WB trong tháng 12/08. Giới phân tích cho rằng kinh tế Inđônêxia, với nhu cầu nội địa mạnh và ít mở cửa, sẽ đối phó hiệu quả với sự suy thoái kinh tế toàn cầu, song cũng cảnh báo sức ép nguồn vốn của nước ngoài vẫn còn là một thách thức lớn đối với Inđônêxia.
Phát biểu trước Uỷ ban Tài chính của Hạ viện ngày 2/12, Bộ trưởng Tài chính Mulyani cho biết kinh tế Inđônêxia sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong nửa đầu năm 2009. Mặc dù xuất khẩu và đầu tư đều giảm nghiêm trọng nhưng khả năng duy trì tăng trưởng tiêu dùng cá nhân có thể ở mức khoảng 5%, do vậy tăng trưởng GDP có thể đạt 5-5,5%, trường hợp xấu nhất là 4,5%. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số tổ chức tài chính nước ngoài, tăng trưởng kinh tế của Inđônêxia có thể sụt xuống 3,7%, thậm chí 2,5% trong năm 2009
Một quan chức Bộ Tài chính cho biết trong năm 2009, chính phủ có thể sẽ bãi bỏ hoàn toàn trợ giá nhiên liệu nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách. Ngân sách dự trù chi cho trợ giá nhiêu liệu là 57,6 nghìn tỷ rupiah (khoảng 4,94 tỷ USD) trong năm 2009. Chính phủ Inđônêxia đã dành khoản chi 12,5 nghìn tỷ rupiah nhằm cắt giảm thuế nhập khẩu và hỗ trợ hoạt động của các ngành công nghiệp trong năm 2009, ngành lương thực, năng lượng, dịch vụ công cộng.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam