menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế trong nước ngày 13/3/2009

09:47 16/03/2009
*Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản trực tiếp vào Braxin
Thương vụ VN tại Braxin cho biết, Braxin vừa có công văn thông báo danh sách 60 DN sản xuất và XK thuỷ sản VN đã được công nhận đủ điều kiện XK thuỷ sản sang Braxin.
Đây là bước đột phá quan trọng để mở cửa cho mặt hàng thuỷ sản VN trực tiếp thâm nhập vào thị trường Braxin, không phải qua DN nước thứ ba. Phía Braxin lưu ý, tất cả các DN được phép XK thuỷ sản vào Braxin phải làm thủ tục với Phòng thanh tra thuỷ sản và sản phẩm chế biến từ thuỷ sản (thuộc Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Braxin).
*Hướng dẫn nộp thuế GTGT cho các cơ sở sản xuất thuỷ điện
Bộ Tài chính đã ban hành thông tư hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng đối với các cơ sở sản xuất thuỷ điện.
Đối với các cơ sở sản xuất thuỷ điện, xác định số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp khấu trừ quy định tại Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đối với công ty thuỷ điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số thuế GTGT phải nộp của hoạt động sản xuất điện bằng số thuế GTGT đầu ra trừ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ. Các cơ sở sản xuất thuỷ điện thực hiện kê khai thuế GTGT tại địa phương nơi đóng trụ sở chính. Trường hợp nhà máy sản xuất thuỷ điện (nơi có tuabin, đập thuỷ điện và những cơ sở vật chất chủ yếu của nhà máy điện) nằm chung trên địa bàn hai tỉnh thì số thuế GTGT do cơ sở sản xuất thuỷ điện nộp sẽ được phân chia theo tỷ lệ 50% cho mỗi tỉnh.
*8 giải pháp phát triển thị trường BĐS
Tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường BĐS VN, đã thảo luận về việc xây dựng đề án phát triển thị trường BĐS VN. Đề án gồm 4 phần và cũng nêu ra giải pháp quan trọng. Đó là: hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, rà soát các quy định chồng chéo, chưa phù hợp. Ban hành các quy phạm pháp luật VN chưa có; Hoàn thiện chính sách thuế; cân đối cung cầu trong thị trường BĐS; hoàn thiện cơ cấu tổ chức; hoàn thiện hệ thống thông tin cho thị trường BĐS; đảm bảo thị trường BĐS công khai minh bạch; đổi mới và nâng cao vai trò quản lý.
*Hỗ trợ 890 tỷ đồng cho 12 mặt hàng xuất khẩu
Bộ Công Thương cho biết, tới đây sẽ có khoảng 12 mặt hàng xuất khẩu được hỗ trợ trực tiếp vào nhóm nông lâm thuỷ sản và nhóm hàng công nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ.
Danh sách này tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thuỷ sản, thịt lợn đông lạnh, rau quả, hàng dệt và may mặc, giày dép các loại, túi xách, vali, mũ, ôdù, sản phẩm gỗ, điện tử và linh kiện máy tính, hàng thủ công mỹ nghệ như mây tre, cói, thảm, gốm sứ, sản phẩm chất dẻo, dây điện và cáp điện, và các sản phẩm cơ khí bao gồm máy biến thế, động cơ điện, dụng cụ cầm tay, các sản phẩm từ cao su….
Nguyên tắc hỗ trợ là hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất của một số ngành hàng trên cơ sở khối lượng hàng hoá được tiêu thụ. Như vậy, chỉ những doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng hoá, có tờ khai thực xuất và hoá đơn xuất khẩu mới được hỗ trợ.
*Lạng Sơn: Không thu phí cấp C/O, giản tiện thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá
Từ đầu tháng 3/2009, Sở Công thương Lạng Sơn chính thức không thu phí cấp C/O (Certifiate Of Origin - xuất xứ hàng hoá ưu đãi xuất nhập khẩu) đã giản tiện các thủ tục cho hàng hoá xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh sản xuất và kiềm chế lạm phát.
Trước đây, trung bình mỗi năm, tỉnh Lạng Sơn cấp được trên 10 ngàn bộ chứng nhận xuất xứ hàng hoá, với doanh thu lệ phí gần 1 tỷ đồng. Tuy có nguồn thu nhưng các thủ tục hành chính liên quan tương đối phức tạp, dẫn đến tiến độ cấp chậm, ảnh hưởng đến thông quan hàng hoá.
*SMC dự báo ngành thép trầm lắng hết năm nay
CTCP Đầu tư và Thương mại SMC cho biết, lợi nhuận sau thuế hai tháng đầu năm của Công ty đạt 6,03 tỷ đồng. Theo Chủ tịch HĐQT SMC, lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng tiêu thụ trên thị trường thép giảm 35-40% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp giảm giá để cạnh tranh bán hàng, nên lợi nhuận biên giảm.  Tuy nhiên, theo khảo sát của SMC ở nước ngoài, doanh nghiệp thép của Việt Nam vẫn còn ít khó khăn hơn các doanh nghiệp thép trong khu vực như Nhật Bản, Đài Loan. Ngành thép còn trầm lắng đến hết năm nay trước khi có thể hồi phục.
*Kết thúc phiên cuối tuần:VN-Index tăng nhẹ lên mức 251,44 điểm
Trong phiên giao dịch cuối tuần, khối lượng giao dịch không giữ được đà tăng đã sụt xuống còn 12,8 triệu đơn vị được khớp lệnh, chỉ số VN-Index nhích nhẹ lên mức 251,44 điểm, tăng 5,74 điểm (2,34%) so với phiên cuối tuần trước.
Tổng khối lượng giao dịch cả tuần đạt 69.510.140 đơn vị, tăng 71,07%, với tổng giá trị giao dịch hơn 1.192 tỷ đồng, tăng 57,88% so với tuần trước.
Sàn Hà Nội cũng có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, kết thúc tuần, chỉ số HaSTC-Index tăng 4,08 điểm (4,82%), so với cuối tuần trước, dừng lại ở mức 88,67 điểm.
Tổng khối lượng giao dịch báo giá cả tuần đạt 38.621.600 đơn vị, tăng 85,60% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 680,46 tỷ đồng, tăng 78,24%.
*Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm của Hải Phòng tăng 6,6% so cùng kỳ
2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hải Phòng đạt 205,1 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh một số mặt hàng có mức tăng trưởng cao như sản phẩm plastic đạt 10,7 triệu USD, tăng 16%; hàng dệt may 26,4 triệu USD, tăng 80%; giày dép các loại 66,3 triệu USD, tăng 10%, máy tính và các linh kiện điện tử 14,9 triệu USD, tăng 55%, nhiều mặt hàng giảm sút về kim ngạch. Đó là hàng thủy sản chỉ đạt 5 triệu USD, bằng 87%; thực phẩm chế biến khác 650.000 USD, bằng 24%; hàng thủ công mỹ nghệ 1,5 triệu USD, bằng 51%; hàng điện tử 9,4 triệu USD, bằng 90%; dây điện và cáp điện 14,9%, bằng 62%...
 

Nguồn:Vinanet