menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế trong nước ngày 20/7/2009

16:11 20/07/2009

*Giảm lãi suất dự trữ bắt buộc VND

Ngày 17-7, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc VND đối với tổ chức tín dụng từ 3,6%/năm còn 1,2%/năm, áp dụng từ 1-8. Đây là lần giảm lãi suất thứ hai kể từ đầu năm, lần trước là cuối tháng 1-2009.

Theo các chuyên gia, năm 2008 do phải thực hiện các chính sách tiền tệ nhằm vừa chống lạm phát vừa ngăn đà suy giảm kinh tế nên các ngân hàng thương mại gặp khó khăn và Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ bằng cách trả lãi cao hơn cho dự trữ bắt buộc bằng VND. Tuy nhiên, trong năm 2009 tình hình đã khả quan hơn cho phép Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất.

*Khởi công dự án nhà máy cán thép lớn nhất Việt Nam

Ngày 19/7, tại Thái Nguyên, tại Thái Nguyên, Công ty cổ phần Cán thép Thái Trung đã tổ chức khởi công xây dựng nhà máy cán thép công suất 500.000 tấn/năm tại khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên. Nhà máy có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.300 tỷ đồng và được xây dựng trên diện tích 5,3 ha tại phường Cam Giá, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Dự kiến hoàn thành trong vòng 15 tháng.

Theo chủ đầu tư, nhà máy sẽ ứng dụng công nghệ cán thép liên tục tốc độ cao từ các nước châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ…Sản phẩm chính của Nhà máy là thép cán tròn trơn, thép thanh vằn nhiều kích cỡ, thép hình kích cỡ trung bình.

Dự án cán thép này nằm trong Dự án tổng thể cải tạo và mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II.

*Phiên giao dich ngày 20/7/2009: VN-Index xuống sát 410 điểm

Thị trường sụt giảm cùng với khối lượng giao dịch dưới 1.000 tỷ đồng khiến những nhà đầu tư mua vào khi thị trường giảm cũng dè dặt. Đóng cửa phiên giao dịch 20/07/2009, VN-Index giảm 15,79 điểm xuống 412,88 điểm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 28,74 triệu cổ phiếu, tương đương 921,79 tỷ đồng.

Trong 166 mã niêm yết trên sàn, có tới 151 mã giảm giá, 14 mã tăng giá và 2 mã đứng giá.

Tại sàn Hà Nội, HNX Index lại để tuột mốc 140 điểm khi giảm 5,62 điểm (-3,9%) xuống còn 138,55 điểm. Toàn thị trường có 157 mã giảm giá, 25 mã đứng giá và 24 mã tăng giá.

Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 11,74 triệu đơn vị, tương đương 353 tỷ đồng. Lượng giao dịch vẫn tập trung vào 3 mã ACB (2,43 triệu), KLS (1,96 triệu) và VCG (1,46 triệu).

*Chìa khóa để Việt Nam mở rộng hợp tác với EU

Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã kết thúc vòng bốn cuộc đàm phán Hiệp định Khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA). Trưởng đoàn đàm phán EU, ông James Moran, khẳng định PCA chính là chìa khóa để mở rộng hợp tác với khu vực đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

*Cảng Vân Phong sẽ được khởi công vào tháng 10/2009

Theo thông tin từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) do tổng công ty làm chủ đầu tư sẽ được khởi công vào tháng 10 năm 2009. Tính đến thời điểm hiện tại, hạng mục tôn tạo bãi trên cạn thuộc giai đoạn khởi động dự án cảng Vân Phong đã cơ bản hoàn thành. Đối với gói thầu xây lắp chính của dự án, công tác sơ tuyển nhà thầu đã được hoàn tất, hồ sơ thiết kế và dự toán công trình đang được tiến hành thẩm tra, thẩm định.

*Rà soát, kiểm tra việc tăng giá thép bất hợp lý

Trước tình hình giá thép bán lẻ tại một số điểm kinh doanh trên thị trường TPHCM có hiện tượng tăng giá cao và bất hợp lý, với giá lên đến 13-14 triệu đồng/tấn, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã chỉ đạo các đội khẩn trương rà soát, kiểm tra tình hình giá bán lẻ tại những điểm kinh doanh thép trên địa bàn.

Theo các Cty thép khu vực phía nam, thời gian gần đây, một số DN điều chỉnh giá thép xuất xưởng do biến động giá vật tư, chi phí. Tuy nhiên, mức điều chỉnh tăng giá chỉ ở mức vừa phải, nên giá bán lẻ cao nhất trên thị trường khoảng 12 triệu đồng/tấn là hợp lý.

*Giá vàng trong nước ngày 20/7: vượt mốc 21 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước sáng ngày đầu tuần tăng thêm 60-80.000 đồng/lượng và vượt mốc 21 triệu đồng/lượng.

Chi nhánh Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn tại Hà Nội niêm yết giá ở mức 20,97 – 21,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá mua tăng 50.000 đồng/lượng và giá bán tăng 60.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Trong khi đó, giá vàng miếng rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 20,98 –  21,30 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá mua tăng 80.000 đồng/lượng và giá bán tăng 80.000 đồng/lượng.
Giá vàng SBJ của Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ được niêm yết ở mức 20,99 – 21,05 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giá mua giảm 100.000 đồng/lượng và giá bán tăng 80.000 đồng/lượng.

*Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp thép

Hiệp hội Thép Việt Nam vừa có công văn 63/HHTVN kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công Thương về việc hỗ trợ doanh nhgiệp thép mua ngoại tệ, mở L/C nhập khẩu thép phế liệu làm nguyên liệu sản xuất phôi thép.

Theo Hiệp hội Thép, thực hiện chủ trương của Chính phủ nhằm đẩy mạnh sản xuất thép phôi thép trong nước năm 2009 đạt 4,5-4,7 triệu tấn phôi thép, ngành thép cần nhập khẩu từ 2-2,2 triệu tấn thép phế để đáp ứng hơn 60% nhu cầu về phôi trong nước. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có công văn quy định chỉ ưu tiên cung ứng ngoại tệ để mua phôi thép và thép thành phẩm, không nói đến ưu tiên ngoại tệ để nhập thép phế, gang và nguyên phụ liệu để sản xuất phôi thép.

*Doanh nghiệp Dệt may Việt Nam mới ký thêm hợp đồng xuất khẩu

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, mới đây một số doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam đã tìm được một số hợp đồng sản xuất cho đến hết tháng 10/2009. Cùng với đó, Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) bắt đầu có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam xuất sang Nhật được miễn thuế có thể kéo lượng hàng xuất khẩu tăng thêm khoảng 15%.

Hiện nay, cơ cấu thị trường xuất khẩu của toàn ngành đạt được như sau: Nhật Bản 33,3%; Mỹ 23%; EU 26,5% và các thị trường khác là 17,2%.

 

 

Nguồn:Vinanet