menu search
Đóng menu
Đóng

Kinh tế xã hội tháng 6, 6 tháng đầu năm 2008

15:04 03/07/2008

*Tháng 6, lạm phát và nhập siêu có xu hướng giảm

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam nổi lên 2 vấn đề lớn: một là giá tiêu dùng tăng cao, 5 tháng đầu năm 2008 tăng 15,9% so với tháng 12/2007; hai là, nhập siêu vẫn còn lớn, nhưng với gói 8 giải pháp đồng bộ đang thực hiện, tình hình lạm phát và kinh tế vĩ mô vẫn đang trong tầm kiểm soát của chính phủ. Tháng 6, tình hình cho thấy đã có dấu hiệu chuyển biến tốt hơn, lạm phát và nhập siêu đều có xu hướng giảm.

Việc áp dụng nhiều giải pháp kiềm chế lạm phát đang dần phát huy hiệu quả. Điều này được thể hiện trong việc kim ngạch xuất khẩu tăng cao và kim ngạch nhập khẩu đang có xu hướng giảm. Xuất khẩu 6 tháng ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 31,8%; riêng xuất khẩu trong tháng 6 ước khoảng 6,3 tỷ USD, vượt qua kỷ lục 5,15 tỷ USD của tháng 5 trước đó, khiến mức  nhập siêu trong tháng 6 chỉ còn 1,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 2,85 tỷ USD trong tháng 5.

*Việt Nam không phá giá đồng tiền

Trước việc lãi suất ngân hàng liên tục tăng “nóng” , nhiều nhà đầu tư quốc tế lo ngại Việt Nam có thể phá giá đồng tiền trong thời gian tới? Thống đốc NHNNVN Nguyễn Văn Giàu khẳng định, Chủ trương của Chính phủ Việt Nam là “không phá giá đồng tiền”. Hiện nay dự trữ ngoại hối ròng của Việt Nam khoảng 20,7 tỉ USD, đủ để can thiệp làm lành mạnh thị trường tiền tệ. Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định: Cân đối ngoại tệ của Việt Nam đang được đảm bảo nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp về tài chính, tiền tệ, XNK...

*Kỷ lục mới về thu hút vốn FDI

6 tháng đầu năm, tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt cao nhất từ trước đến nay với 31,6 tỷ USD vốn đăng ký và vượt xa mốc 21,3 tỷ USD của cả năm 2007.

Tháng 6/2008, có 163 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 16,2 tỷ USD, đưa tổng số dự án FDI Việt Nam tiếp nhận trong  6 tháng đầu năm 2008 lên con số 487 dự án, với số vốn đăng ký 31,6 tỷ USD tăng 3,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đa số vốn FDI 6 tháng qua đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp nặng (khoảng 9 tỷ USD gồm cả vốn cấp mới và tăng vốn), công nghiệp nhẹ (1,5 tỷ USD). Hình thức đầu tư chủ yếu là 100% vốn nước ngoài (19,5 tỷ USD), sau đó là liên doanh (10,2 tỷ USD).

Con số kỷ lục về thu hút vốn FDI này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào các giải pháp của chính phủ và đề cao triển vọng phát triển của Việt Nam trong dài hạn, nơi có môi trường chính trị - xã hội ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng tốt, có khả năng bảo đảm hiệu quả đầu tư bền vững…

*Vụ đông-xuân cả hai miền Nam-Bắc được mùa, giúp tăng trưởng giá trị nông nghiệp tăng khoảng 3% trong 6 tháng đầu năm và  Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu gạo để đạt mức xuất khẩu cả năm 4,5 triệu tấn. Cùng với đó, mức lạm phát trong tháng 6 cũng đã có chuyển biến theo xu hướng giảm như dự báo.

*Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 dự tính chỉ tăng khoảng 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,91% của tháng trước. Và mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 6,6% - 6,7%.

*Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết một tín hiệu tốt: số dư tiền gửi của hệ thống ngân hàng tính bình quân đến thời điểm hiện tại đã vượt qua mức dự trữ bắt buộc tháng 6/2008. Hiện mức lãi suất huy động tiền VND phổ biến từ 17-17,5%/năm (khối các ngân hàng thương mại nhà nước) và 17,5-18%/năm (khối các ngân hàng thương mại cổ phần). Và hầu hết các ngân hàng thương mại  đã điều chỉnh lãi suất cho vay về sát mức tối đa 21%/năm và đã ngừng thu tất cả mọi loại phí.

Sau khi điều chỉnh để tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 2% (kể từ ngày 10/6), Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tỷ giá theo hướng tương đối ổn định, đồng thời, tích cực bán ngoại tệ can thiệp để đảm bảo thanh khoản cho thị trường.

*Chỉ số VN-Index trong xu thế giảm từ đầu tháng, nhưng trong phiên giao dịch gày 23/6 đã tăng nhẹ; giá đôla trên thị trường “chợ đen” đã giảm mạnh xuống mức 17.900-18.300 đ kể từ ngày 22/6/2008.

Nguồn:Vinanet