menu search
Đóng menu
Đóng

Lào - thị trường đầu tư tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam

08:54 20/08/2008
Trong những điểm đến tiềm năng, Lào đang được xem là một trong những thị trường trọng điểm, với hơn 50% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam được đổ vào thị trường nước này.

Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Lào với 123 dự án đầu tư trực tiếp có tổng số vốn đăng ký trên 1,28 tỷ USD. Các dự án của Việt Nam ở Lào tập trung vào các lĩnh vực thuỷ điện, thăm dò và khai thác khoáng sản, sản xuất dược phẩm, trồng cây công nghiệp...

Trên thực tế, Việt Nam góp một lượng vốn đầu tư lớn vào Lào là nhờ những dự án tầm cỡ giữa hai nước, như Thuỷ điện Xekaman 3 với 247 triệu USD, dự án trồng cao su 32 triệu USD của Tổng công ty Cao su, dự án trồng cao su 24 triệu USD của Công ty Cao su Đăk Lăk. Tuy nhiên, đầu tư hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam mới tập trung nhiều ở Nam Lào, một phần ở Trung Lào. Tại địa bàn Bắc Lào, hầu như chưa có mặt của các nhà đầu tư Việt Nam.

Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cho biết, Lào là một trong những thị trường quan trọng, hứa hẹn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tỉ lệ chung đầu tư ra nước ngoài giữa công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam là 70-15-15, trong khi đó, đầu tư vào Lào chỉ đạt được 65-20-15.

Với tỉ lệ như vậy, trong số 317 dự án Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 2,5 tỉ USD thì sang Lào chiếm 38% về số dự án và 50% về vốn. Quy mô vốn bình quân đạt 10 triệu USD/dự án ở Lào trong khi ra thế giới là 7,8 triệu USD/dự án.

Có một điểm đặc thù nữa, đó là các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Lào có thêm 7 yêu cầu riêng dựa trên quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước. Đầu tư trên địa bàn của Lào nhìn chung còn khó khăn, phức tạp, thiếu nhiều thứ. Vì vậy, phía Lào muốn thông qua dự án của doanh nghiệp Việt Nam giúp đỡ cho địa phương trên địa bàn đầu tư 7 lĩnh vực liên quan đến: điện, đường, trường, trạm, việc làm, dạy nghề và cơ chế 3+2 (nhà đầu tư cung cấp vốn, kỹ thuật, thị trường và địa phương cung cấp lao động tại chỗ và đất đai).

Có vẻ như yêu cầu này đối với các doanh nghiệp là nặng nề nhưng thực chất, yêu cầu của phía bạn cũng không cao. Đơn cử như xây dựng trạm xá cũng chỉ là căn nhà 3-4 gian không nhất thiết phải trang bị đầy đủ. Vì vậy cũng không tốn nhiều vốn của doanh nghiệp.

Một hướng mới phía Lào cũng đang thực hiện vài năm nay trở lại đây là đổi công trình lấy dự án. Trước đây, phía bạn áp dụng phương pháp các nhà đầu tư đến tìm hiểu thị trường, cam kết với đối tác Lào và thông qua chính phủ ký thoả thuận ghi nhớ. Như vậy, thỏa thuận ghi nhớ ràng buộc giữa nhà đầu tư với chính phủ còn với địa phương và cơ quan khác lại nằm ở bước tiếp theo.

Những cơ hội lớn mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, nhất là ở 3 lĩnh vực thế mạnh Việt Nam đầu tư sang Lào (trồng cao su, thuỷ điện, thăm dò khai khoáng). Như thoả thuận giữa hai chính phủ về việc Lào cấp cho Việt Nam 10 vạn ha trồng cây cao su, đến nay Lào đã cấp cho Việt Nam được 7 vạn ha (70%) nhưng Việt Nam mới trồng được 3 vạn, chưa đầy 50% số đất họ cấp.

Về phát triển thuỷ điện, theo thống kê của phía Lào, có 78 điểm khả thi xây dựng thuỷ điện. Thuỷ điện lớn nhất Việt Nam ký được là Luang Prabang 1.410 MW tương đương với 8,5% tổng công suất tiềm năng sông Mekong.

Về thăm dò khoáng sản, Lào mới khảo sát 60% tổng diện tích tự nhiên đã có 500 điểm có khả năng khoáng sản trong đó phát hiện 232 điểm quặng gồm than, sắt, thiếc, vàng, đồng, chì, kẽm, muối mỏ, thạch cao, sét, đá quý... Đến tháng 7/2008, Lào đã cấp 20/30 mỏ cho Việt Nam.

Một khó khăn khác đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào hiện nay là nguồn lao động tại chỗ còn hạn chế về trình độ chuyên môn, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Việc phải đưa lao động từ Việt Nam sang, hay đưa lao động Lào sang Việt Nam đào tạo, đã làm tăng chi phí đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, chính phủ nước này quy định việc đưa lao động nước ngoài đầu tư sang Lào không được vượt quá 10% lao động phổ thông và kỹ thuật không quá 20%.

Đây là quy định khiến cho nhiều doanh nghiệp thấy vướng mắc. Số lượng lao động Việt Nam đưa sang bị hạn chế trong khi lao động Lào không đủ cung cấp.

 

Nguồn:Thời báo kinh tế Việt nam