menu search
Đóng menu
Đóng

Lắp vòng kim cô cho giới tài chính

15:22 10/02/2009
Giới điều hành và giới ngân hàng tại Pháp đã đạt thỏa thuận về một “quy tắc đạo đức” đối với thu nhập và tiền thưởng của giới tài chính.
 
Cuộc khủng hoảng tài chính đang làm khốn đốn toàn cầu ít nhiều cũng đã chỉ ra những thủ phạm: các tay kinh doanh tài chính gian xảo, lợi dụng lòng tin của con người để trục lợi. Trong nhiều năm qua, người ta cho rằng nghề kinh doanh tài chính là một trong những nghề thời thượng nhất vì thu nhập cá nhân khiến thiên hạ phải “lác mắt”.
Chống chuyện thưởng vô tội vạ
Sự thật là các tay kinh doanh tài chính chỉ mánh khóe dùng chiêu “lấy mỡ nó rán nó” rồi lấy tiền thưởng đút túi mình. Một trong những giải pháp cấp bách đầu tiên bắt đầu được thực thi là ngăn chặn ngay chuyện thưởng hàng triệu đôla cho những tay giám đốc điều hành ngân hàng, công ty tài chính hoặc môi giới tài chính. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã ra chỉ thị chỉ trả lương tối đa nửa triệu USD/năm cho các giám đốc điều hành những ngân hàng đang nhận cứu trợ của chính quyền.
Tại Mỹ, người dân từng xuống đường biểu tình chửi bới Richard Fuld - cựu tổng giám đốc Ngân hàng Lehman Brothers. Richard Fuld đã trở thành “biểu tượng” cho lòng tham của Phố Wall khi ông xuất hiện trước Quốc hội Mỹ vào tháng 10-2008 trong phiên điều trần bảo vệ số tài sản trị giá 484 triệu USD mà ông nhận được từ lương, tiền thưởng và quyền mua cổ phiếu từ năm 2000. Tuy nhiên Lehman Brothers vẫn sụp đổ, một trong những sự kiện đầu tiên trong chuỗi khủng hoảng kéo dài tới nay.
Nhưng Pháp có lẽ là quốc gia đầu tiên ban hành luật, được đánh giá là nghiêm khắc, giới hạn tiền thưởng của giới điều hành ngân hàng và các tay môi giới tài chính. Báo giới Pháp thông tin vào giữa tuần sau bà Bộ trưởng Kinh tế Christine Lagarde sẽ tuyên bố những biện pháp “thiết lập vòng kim cô” đối với lương thưởng của giới kinh doanh tài chính. Liên đoàn Ngân hàng Pháp (FBF) cũng đã xác nhận thông tin này.
Thật sự người ta đã hình dung về những biện pháp siết chặt này vì vài ngày trước, trong một phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tỏ ra giận dữ chống lại hệ thống lương thưởng quá độ trong giới tài chính mà ông tin rằng đã dẫn đến “thảm họa mà chúng ta đã chứng kiến” và “cần phải cấm ngay chuyện đó!”.
Trong thời gian qua, một tổ đặc nhiệm do chính bà Bộ trưởng Kinh tế Pháp thiết lập, bao gồm các đại diện của chính quyền, giới ngân hàng, giới kinh doanh tài chính đã cùng ngồi lại thiết lập một “quy tắc đạo đức”, áp dụng từ năm 2010. Mục tiêu của nó rất đơn giản: ngăn chặn tình trạng ban phát bổng lộc vô tội vạ trong giới tài chính. Như vậy sẽ không còn chuyện các ngân hàng hứa hẹn những khoản tiền thưởng khổng lồ nhằm thu hút hoặc giữ chân những “nhân tài” của ngành tài chính.
Từ nay, tiền thưởng sẽ được tính theo từng năm, tùy theo khả năng kiếm lãi thật sự của mỗi cá nhân, đồng thời dựa trên quyền lợi của khách hàng và nếu kết quả kém thì tiền thưởng cũng bị xóa bỏ. Tiền thưởng cũng không hoàn toàn là “tiền tươi” mà phải trả một phần bằng cổ phiếu để người nhận thưởng có trách nhiệm hơn đối với công ty tài chính mình đang làm việc.
Để trả lời cho mối lo của các ngân hàng, tổ chức tài chính Pháp về khả năng “chảy máu chất xám”, thông cáo của FBF cho biết giải pháp “ngăn tiền thưởng vô tội vạ” sẽ được giới thiệu tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức tại London (Anh) sắp tới, trong đó bàn luận chính về cải cách hệ thống tài chính thế giới. FBF tin rằng giải pháp này sẽ được sớm áp dụng khắp châu Âu và thậm chí trên toàn thế giới.
Anh điều tra giới chủ ngân hàng
Bộ trưởng tài chính Anh Alistair Darling sẽ yêu cầu thực hiện một báo cáo độc lập về chuyện điều hành ngân hàng và lương thưởng của các giám đốc điều hành ngân hàng thời gian qua. Trong bài viết đăng trên tờ Sunday Telegraph (ngày 8-2), ông cho biết: “Chúng ta không thể hành xử như chưa từng có gì xảy ra. Tôi đang chờ bản nghiên cứu liên quan đến tính hiệu quả của các ban lãnh đạo ngân hàng trong giai đoạn khủng hoảng, đặc biệt là ảnh hưởng của lương, thưởng trong việc đưa ra các quyết định”.
Bộ trưởng Anh nói rõ: “Mọi người đều muốn thấy các ngân hàng được điều hành tốt. Rõ là sai lầm nếu tưởng thưởng cho những người đã ra các quyết định thái quá làm sụp đổ ngân hàng và gây ra đau khổ cho hàng triệu khách hàng. Chỉ có thành công mới được tưởng thưởng chứ không phải là thất bại”. Chính Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng đã khẳng định trong tuần qua là “không có chuyện thưởng cho thất bại”. Tuyên bố này hẳn khiến nhiều tay giám đốc điều hành ngân hàng xanh mặt.
Chẳng hạn Ngân hàng Hoàng gia Scotland đã nhận đến 40 tỉ USD từ quỹ nhà nước để vượt qua khó khăn. Vậy mà tờ Sunday Telegraph tiết lộ trong năm mới này, ban lãnh đạo Ngân hàng Hoàng gia Scotland dự tính chi trả gần 2 tỉ USD cho các cán bộ của mình.
Thế giới bí mật và cũng rất mập mờ của các ngân hàng trong thời gian qua sẽ không còn nữa. Nhiều chính trị gia đã lên tiếng chống đối và dĩ nhiên được dư luận ủng hộ. Trên tuần báo Mail On Sunday, Vince Cable, một trong những lãnh đạo của Đảng Dân chủ tự do đối lập tại Anh, tố cáo: “Những tay chủ ngân hàng tại City (trung tâm tài chính London) đã làm lụn bại ngân hàng của họ nhưng vẫn giữ được việc làm nhờ tiền thuế của dân, giờ lại đòi hỏi chúng ta trả thưởng cho họ để họ có thể tiếp tục lối sống trưởng giả đã quen thuộc. Họ chẳng còn biết xấu hổ là gì và cũng chẳng chịu lắng nghe những chỉ trích”.
Năm 2008, dù khủng hoảng trầm trọng, tiền thưởng của giới ngân hàng, tài chính tại Phố Wall (Mỹ) cũng lên đến 18,4 tỉ USD, bằng với thời hoàng kim năm 2004.

Nguồn:Internet