menu search
Đóng menu
Đóng

Lựa chọn hàng giá thấp – xu hướng của người tiêu dùng Việt Nam

15:07 24/03/2009
Tiết kiệm, lựa chọn hàng giá thấp đang là xu hướng của người tiêu dùng Việt Nam kể cả người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, với những người có thu nhập trung bình, thì quyết định mua sắm các loại hàng hoá như quần áo, điện thoại di động, tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt…. đều có xu hướng lựa chọn những mặt hàng có giá cả phù hợp với thu nhập của mình.

Từ đầu năm, giới kinh doanh ĐTDĐ dự báo sau Tết âm lịch khoảng một tháng sức mua sẽ giảm mạnh. Thế nhưng hiện sức mua vẫn bình thường. Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Thế giới di động - cho biết doanh thu của ngành hàng ĐTDĐ và sản phẩm laptop tại các siêu thị của công ty chỉ giảm nhẹ khoảng 5%. Điều thay đổi là khách hàng chủ yếu mua các sản phẩm có giá trung bình trở xuống, mức tiêu thụ hàng cao cấp đang giảm nhanh. Chẳng hạn như từ đầu năm, ĐTDĐ có giá từ 6 triệu đồng trở lên chiếm khoảng 5% số lượng bán ra của hệ thống này thì hiện nay giảm chỉ còn 4%. Trong khi đó, sản phẩm dưới 1,5 triệu đồng/cái từ 45% trong tổng doanh số lượng bán ra của tháng 1 đã tăng lên hơn 51% trong đầu tháng 3...

Với tivi, hàng điện gia dụng, Phó tổng giám đốc Công ty Samsung Vina - cho biết sức tiêu thụ những mặt hàng giá cao khá thấp. Chỉ có các cao ốc, khách sạn, nhà hàng mới có nhu cầu sắm sửa những sản phẩm cao cấp như tivi LCD, tivi Plasma màn hình lớn.

Không chỉ với thị trường nội địa, ngay với các thị trường xuất khẩu, người tiêu dùng cũng có xu hướng tương tự. Công ty cổ phần SX-TM may Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) đang ráo riết sản xuất hàng xuất khẩu mà không phải lo lắng vì đầu ra. Lý do - Chủ tịch Hội đồng quản trị - là Garmex Sài Gòn lâu nay chủ yếu làm các sản phẩm có mức giá trung bình nên sức tiêu thụ hiện nay không giảm. Đối tác công ty cho biết đây chính là cơ hội để họ chiếm lĩnh thị trường, gia tăng thị phần khi khách hàng giảm bớt việc mua sắm những sản phẩm cao cấp. Tất nhiên họ cũng đề nghị các nhà cung cấp như Garmex Sài Gòn giảm giá thành để sản phẩm mang tính cạnh tranh hơn nữa.

Theo Phó chủ tịch Hội dệt may Việt Nam, các đơn hàng xuất khẩu của ngành may Việt Nam trong năm 2009 trung bình đã giảm giá từ 10-15%. Cụ thể như giá gia công 1 áo sơ mi năm 2008 khoảng 1 USD/áo thì hiện nay chỉ còn 0,8 - 0,9 USD/áo; giá gia công quần từ 1,25 USD/quần nay chỉ còn 1,10 - 1,15 USD/quần. Đáng chú ý là nếu các đơn hàng gia công có giá trung bình và thấp chỉ giảm khoảng 15-20% về số lượng thì các đơn hàng cao cấp lại giảm mạnh, khoảng 50%. Mỹ và EU là thị trường có sự sụt giảm nhiều nhất về chủng loại và số lượng trong việc nhập khẩu hàng may mặc. Tuy nhiên,  các doanh nghiệp ngành may cũng phải thay đổi quy trình sản xuất, tập trung kiểm soát các chi phí đầu vào để giảm chi phí nhằm có lời với mức giá gia công khá thấp hiện nay.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành - cũng cho biết các khách hàng nước ngoài đã đề nghị công ty giảm giá cho những đơn hàng ký trong năm 2009. Trước đây, công ty xuất khẩu 50% là sản phẩm phổ thông và 50% còn lại là sản phẩm cao cấp. Tỷ lệ đó của năm 2009 thay đổi thành 80% là hàng phổ thông và 20% là hàng cao cấp.

Xu hứơng tiêu dùng hàng giá thấp của thị trường đã rõ, vấn đề còn lại là các doanh nghiệp kịp thời thay đổi, khai thác hiệu quả xu hướng này để tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn.

Theo kết quả điều tra nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của người Việt Nam do Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen công bố đầu tháng 3.2009, 58% người tiêu dùng được hỏi cho biết sẽ chi tiêu ít hơn cho quần áo; 71% cho biết sẽ chi tiêu ít hơn cho đồ điện tử, điện gia dụng...

 

Nguồn:Vinanet