menu search
Đóng menu
Đóng

Mua đĩa CD, VCD trắng cũng phải trả tiền bản quyền

14:03 31/07/2008
Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu đĩa CD, VCD, DVD trắng phải trả tiền bản quyền với mức 3% trên một nửa giá bán đĩa, theo dự thảo Nghị định về sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu và lưu hành, sử dụng đĩa quang để định hình, sao chép tác phẩm, chương trình biểu diễn, ghi âm, ghi hình và phát sóng.

Dự thảo đang được Cục Bản quyền tác giả soạn thảo và lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất.

Hiện nay có khoảng 5 doanh nghiệp sản xuất chừng 200 triệu đĩa trắng (còn gọi đĩa quang) một năm tại VN. Ước 60 triệu đĩa được Công ty Imexco nhập khẩu mỗi năm. Chưa kể nhiều đĩa nhập lậu không kiểm soát được.

Mục đích của dự thảo này là siết lại việc quản lý và sử dụng đĩa quang để hạn chế xâm phạm bản quyền.

Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại rằng, thu phí bản quyền đĩa quang ở doanh nghiệp thực chất là đánh vào người tiêu dùng. Lý do là thay vì gánh chi phí trả tác quyền, nhà sản xuất sẽ quy cả vào giá bán lẻ đĩa ra thị trường.

Hiện nay, khi mua đĩa quang trắng (đĩa không chứa dữ liệu, tác phẩm, chương trình...), người tiêu dùng chỉ mới trả tiền “vật chất” chứ chưa tốn phí tác quyền.

Nếu dự thảo này trở thành hiện thực, người mua đĩa trắng phải trả thêm một khoản tiền bản quyền nữa cho dù chiếc đĩa chưa ghi chép bất cứ một dữ liệu trí tuệ nào. Có nghĩa nếu một chiếc đĩa CD, VCD, DVD trắng có giá 2.000 đồng, người tiêu dùng phải trả 3% cho một nửa giá bán, tức phí bản quyền 30 đồng. Vị chi tổng giá bán đĩa lên 2.030 đồng.

Dự thảo này giao cho Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam thu tiền bản quyền và phân phối lại cho các chủ thể quyền có liên quan theo thỏa thuận. Một phương án khác là hiệp hội này thu tiền, giữ lại 20% làm kinh phí hoạt động và lập quỹ khuyến khích sáng tạo, phần còn lại chia 36% cho chủ sở hữu quyền tác giả, 32% cho người biểu diễn và 32% cho nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

Doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu thiết bị định hình, thiết bị sao chép như máy quay phim, máy chụp hình, đầu đĩa... cũng phải nộp tiền bản quyền là 2% trên 65% giá bán thiết bị.

Dự thảo buộc các nhà sản xuất đĩa quang phải xin cấp mã số (gồm mã số khuôn và mã số gốc) và in mã số lên sản phẩm do mình sản xuất. Những đơn vị nhập khẩu đĩa quang cũng phải nhận hàng có mã số. Đĩa quang không có mã số sẽ bị xem là đĩa lậu và bị xử lý. Người tiêu dùng cũng phải sử dụng đĩa có mã số.

 

Nguồn:Internet