menu search
Đóng menu
Đóng

Năm 2009: Nhiều khó khăn cho ngành du lịch châu Á

11:38 23/01/2009
 
Trên toàn châu Á, các khách sạn, hãng hàng không và công ty lữ hành đang phải đối phó với một năm hoạt động khó khăn nữa khi mà cuộc khủng hoảng tài chính tiếp tục "níu chân" du khách quốc tế đến với châu lục này, trong khi các du khách trong khu vực tăng cường thắt chặt chi tiêu với những chuyến du lịch ngắn ngày giá rẻ.
Ông Laurence Lai, chủ hai phòng triển lãm tranh tại các điểm du lịch ở Đặc khu Hành chính Hồng Công (Trung Quốc), cho biết "rõ ràng có một sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh và thực tế là lượng du khách đã giảm". Ông dự đoán lượng du khách sẽ giảm ít nhất 30% và đang chuyển đổi chiến lược kinh doanh để đối phó cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Sự đa dạng về văn hoá, địa lý, tôn giáo của các nước châu Á với vô số danh lam thắng cảnh từ dãy núi Hymalaya đầy tuyết cho tới những thủ đô hiện đại, đã đưa châu lục này trở thành một thị trường du lịch phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm gần đây, cùng với Trung Đông.
Tuy vậy, kể từ khi mức độ suy giảm kinh tế trở nên trầm trọng vào cuối năm 2008, các thị trường du lịch bao gồm Hồng Công, Thái Lan và Ấn Độ đã giảm mạnh, và đôi khi còn tồi tệ hơn do khủng hoảng chính trị, với nhiều dự đoán về mức tăng trưởng tiêu cực trong năm 2009.
Hồng Công, hiện là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của châu Á với 29,5 triệu lượt du khách năm 2008, dự kiến lượng khách du lịch đến đặc khu này sẽ giảm 1,6% năm 2009, mặc dù số du khách ngoài Trung Quốc sẽ giảm mạnh 9,2%. Trong khi đó, lượng du khách đến Xingapo giảm 2% năm 2008 với triển vọng u ám hơn, còn lượng khách đến Thái Lan và Malaixia đều dự kiến giảm 9% năm 2009.
Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) đánh giá hoạt động của ngành du lịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2008 "có mức giảm mạnh nhất" so với Mỹ, Trung Đông, châu Âu và châu Phi, với nhu cầu du lịch dự kiến sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn và dài hạn.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cảnh báo các hãng hàng không trên thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh doanh khó khăn nhất trong 50 năm qua với khả năng sụp đổ, thu nhập giảm và hàng nghìn việc làm sẽ bị cắt giảm.
Hồi tháng 12/08, IATA cho biết khoảng 300.000-400.000 việc làm sẽ có nguy cơ bị cắt giảm trong số khoảng 32 triệu lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực giao thông đường không, lữ hành và du lịch thế giới.
Bất chấp tình hình cực kỳ mong manh hiện nay, Hiệp hội Lữ hành châu Á-Thái Bình Dương (PATA) dự đoán thị trường du lịch châu Á, đã thu hút khoảng 280 triệu du khách quốc tế năm 2008, sẽ hồi phục và tăng trưởng trung bình 4-5% trong 3 năm tới.
Ông John Koldowski, Giám đốc Trung tâm Thông tin Chiến lược của PATA, tỏ ý thận trọng trong sự lạc quan song vẫn tin tưởng tình hình sẽ khởi sắc trong 2 năm tới. Tuy vậy, ông cho rằng tình trạng nhiều du khách có ý định "thắt chặt hầu bao" đang cắt giảm mức chi tiêu và thời gian của chuyến du lịch có thể tác động tiêu cực hơn tới các lĩnh vực kinh doanh phụ thuộc vào ngành du lịch như bán lẻ, dịch vụ và khách sạn.
Theo STR Global, tỷ lệ sử dụng phòng khách sạn ở châu Á-Thái Bình Dương giảm xuống 66,7% hồi tháng 11/08, so với mức 76,4% cùng kỳ năm 2007. UNWTO dự đoán mức độ giảm thời gian và chi tiêu cho chuyến du lịch sẽ rõ ràng hơn là mức giảm về lượng du khách.
Trong khi đó, tình hình bất ổn chính trị và sự thay đổi chính sách của các chính phủ đã làm tăng thêm tình trạng căng thẳng trong ngành du lịch ở các nước như Xri Lanca, Ấn Độ, Thái Lan và Đặc khu hành chính Ma Cao.
Ngân hàng trung ương Thái Lan (BOT) mới đây dự đoán lượng du khách đến nước này trong năm 2009 có thể giảm 9% xuống còn 12,8 triệu lượt người, mức thấp nhất kể từ năm 2005 sau khi thảm hoạ sóng thần xảy ra hồi cuối năm 2004.
Tại Ấn Độ, 179 người, bao gồm nhiều du khách nước ngoài, đã tử vọng khi các tay súng tấn công các khách sạn sang trọng và các điểm du lịch hồi tháng 11/08 ở trung tâm tài chính Mumbai. Tình hình ảm đạm kể từ đó đã lan rộng sang các khu vực như Goa, một trong những điểm đến du lịch hàng đầu ở nước này, làm lượng du khách giảm 25% trong mùa cao điểm. Theo người đứng đầu hiệp hội lữ hành và du lịch của Goa, Ralph DeSousa, sự sụt giảm về lượng du khách diễn ra do kinh tế suy yếu và sau đó là do vụ tấn công ở Mumbai.
Tại thánh địa "đỏ đen" ở Ma Cao, sự phát triển bùng nổ các sòng bạc đã giúp đặc khu này đón tiếp lượng du khách hàng năm tăng gấp 3 lần trong 6 năm qua, nhưng chỉ hơn 30 triệu người năm 2008, do sự hạn chế cấp thị thực đột ngột của Chính phủ Trung Quốc đối với các du khách nước này trong năm 2008 đã tác động tiêu cực tới tăng trưởng.
Còn theo Giám đốc Văn phòng Du lịch Ma Cao, Joan Manuel Costa Antunes, nếu lượng du khách đến với đặc khu này trong năm 2009 tương tự như năm 2008 hoặc tăng, giảm đôi chút thì đã là một kết quả tốt.

Nguồn:Internet