menu search
Đóng menu
Đóng

Nga - Thiên đường mới của các nhà đầu tư thế giới

09:24 29/07/2008
Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn thế giới đang trong" tâm bão mất giá", nhưng Nga nổi lên như một ốc đảo bình yên, ít bị tác động nhất. Dù cũng được xếp vào nhóm những thị trường mới nổi (BRIC), nhưng Nga đã chứng minh được sự khác biệt theo cách hoàn toàn khác.
Chính sách và lợi thế địa chính trị giúp Nga hiện có thế đứng vững vàng. Đã có những lập luận ở Nga rằng đất nước này không thuộc về phương Đông và cũng không phải phương Tây, mà là nền văn minh khác, với lịch sử riêng của mình. Ngày nay, Nga là quốc gia rất không dễ định nghĩa. Trong nhóm tám nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G8), Nga giống như "kẻ lập dị" trong đám nhà giàu. Nga có thu nhập tính theo đầu người thấp hơn rất nhiều so với các nước còn lại; mức độ công nghiệp hoá thấp, nguyên liệu, nhiên liệu là sản phẩm chính và là nguồn xuất khẩu chính.
Quyền lợi của nhà sản xuất nguyên liệu như Nga được quyết định bằng những khách hàng rất đa dạng. Điều này giải thích tại sao Nga luôn đối lập với 7 thành viên còn lại của G8. Nhóm BRIC gồm Braxin-Nga-Ấn độ-Trung quốc có vẻ thích hợp hơn với Nga, xét từ khía cạnh tổng thu nhập quốc nội (GDP) và cấu trúc của nền kinh tế. Giống như 3 nước còn lại, Nga có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong mấy năm gần đây, GDP tăng trung bình 7%. TTCK Nga cũng tăng mạnh, với mức gấp 7 lần của Ấn độ và Braxin từ năm 2003 tới đầu 2007.
TTCK các nền kinh tế phát triển và đang phát triển bị chấn động mạnh trong năm nay, dẫn tới sự mất giá lớn. Chỉ số chứng khoán tại hầu hết các nền kinh tế phương Tây suy giảm từ 10% tới gần 30%, trong khi chỉ số Sensex của Ấn độ cũng mất tới 34% trong nửa đầu năm 2008, và chỉ số Dow Jones tại thị trường chứng khoán Thượng hải cũng rơi mất 48% giá trị. Trong khi đó chỉ số RTS của Nga vẫn giữ nguyên giá trị, và chỉ có chỉ số chứng khoán Bovespa của Braxin đạt mức tăng khiêm tốn là 4,5%. Tuy nhiên trong mấy tuần gần đây, các nhà đầu tư bắt đầu giảm sự lạc quan và tại Braxin chỉ số Bovespa giữa tháng 7 mất 20% giá trị so với đỉnh điểm hồi trung tuần tháng 4 và RTS cũng mất giá theo tỉ lệ tương tự khoảng 15%.
Nguy cơ TTCK Nga mất giá mạnh trong thời gian tới ít có khả năng xảy ra. Sự khác biệt giữa Nga và 3 nền kinh tế khác của BRIC có thể giúp Nga chiếm ưu thế trong tương lai lâu dài. Thứ nhất, dân số Nga giảm chứ không hề tăng. Nga cũng như nhiều nền kinh tế phương Tây, đang thu hút lượng lớn dòng người nhập cư và những công nhân thời vụ từ các nước là vệ tinh trước đây ở Trung Á, khu vực Cápcadơ và Đông Nam châu Âu. Kết quả là Nga có vị trí thuận lợi hơn để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay trên thế giới, bởi vì không chịu sức ép tạo thêm việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp của Nga thấp nhất trong nhóm BRIC. Thứ hai, kinh tế Nga ít tự do hơn so với các đối tác trong BRIC. Trong hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin, Nga đã xây dựng nền kinh tế với sự hiện diện ngày càng lớn của khu vực sở hữu nhà nước trong các lĩnh vực chủ chốt như dầu khí hay công nghiệp quốc phòng. Nga cũng có một thị trường tài chính khép kín hơn. Điều này cản trở dòng vốn đầu tư nước ngoài và cũng ngăn cản nền kinh tế phát triển nhanh hơn và cân bằng hơn trong những năm qua, nhưng trong nền kinh tế toàn cầu đang khủng hoảng, chính sách đó có thể lại mang lại lợi ích. Trung quốc đã có thể chiến thẳng các cuộc tấn công vào đồng tiền của họ trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 nhờ chính sách kiểm soát tài chính.
Một nhân tố nữa trợ giúp cho thị trường chứng khoán Nga là viễn cảnh của kinh tế Thế giới. Dù kinh tế Mỹ đang lâm vào suy thoái, kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng khả quan. IMF mới đây dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay vẫn đạt mức 4,1%, kinh tế các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang nổi lên vẫn duy trì mức tăng ấn tượng 6,9%. Điều này sẽ giúp Nga có thêm bối cảnh thuận lợi. Kinh tế toàn cầu tăng khả quan sẽ tiếp tục duy trì nhu cầu đối với dầu mỏ và các sản phẩm nguyên liệu khác của Nga. Tăng trưởng giảm chậm lại trong nửa cuối năm 2008 lại sẽ giúp chính phủ Nga giải quyết vấn đề lạm phát đã lên tới 15% trong thời gian qua. Trong trường hợp nếu kinh tế toàn cầu có chậm lại hơn so với dự đoán, và dầu cũng như các hàng hoá nguyên liệu khác mất giá, Nga cũng không phải đối mặt với nguy cơ phải bán đổ bán tháo chứng khoán. Cũng giống như các nước lớn đang phát triển khác, Nga có nguồn dự trữ lớn (gần 500 tỷ USD), đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Trung quốc và Nhật bản. Trong viễn cảnh thuận lợi về địa chính trị hiện nay, Nga có thể nổi lên như một ốc đảo bình yên trong số các nền kinh tế đang nổi.

Nguồn:Internet