menu search
Đóng menu
Đóng

Nhu cầu kim loại phế của Trung Quốc sẽ giảm

16:55 19/06/2008
Dự báo nhu cầu kim loại phế liệu của Trung Quốc sẽ tiếp tục yếu trong vòng một năm nữa do giá kim loại thế giới tăng cao, lạm phát cao, luật hợp đồgn lao động mới và những khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng.
Điều này sẽ ảnh hưởng tới thị trường kim loại phế liệu toàn cầu bởi Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ kim loại thứ cấp lớn nhất thế giới. Tại thị trường tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới này, nhu cầu phế liệu này đã trì trệ từ mấy tháng nay, buộc nhiều công ty tái chế kim loại phải chuyển sang những thị trường khác. Khách hàng Trung Quốc chỉ có thể trở lại thị trường nếu giá đồng tại Sở giao dịch Kim loại London (LME) giảm xuống 7.000 USD/T. Hiện giá đồng tại đây vào khoảng 7.900 USD/T. Ngày 3/6/2008, giá đồng quốc tế đã lập kỷ lục cao 8.820 USD/T, tức là đã tăng gần 30% trong năm nay. Giá kim loại cơ bản tại LME tăng mạnh đã gây khó khăn cho việc mua và bán kim loại phế liệu, bởi giá có thể thay đổi ngay khi hàng vừa đến, thậm chí còn sớm hơn. Do vậy, lúc này rất ít hợp đồng được giao dịch, rất ít người mua dù với khối lượng nhỏ.
Hiện, hầu hết các công ty thu mua kim loại phế bán cho Trung Quốc gần đây đều chuyển sang bán ở châu Âu, nơi nhu cầu dự kiến sẽ tăng lên vào tháng 8 và tháng 9. Trong khoảng một năm tới, các nhà kinh daonh kim loại phế liệu không hy vọng nhiều ở thị trường Trung Quốc bởi nước này đang gặp rất nhiều vấn đề. Ngoài trận động đất trầm trọng mới đây và bão tuyết mùa đông vừa qua, do lạm phát cao nên chính phủ Trung Quốc đã hạn chế lượng tiền cho vay từ các ngân hàng, đồng thời cũng đưa ra chính sách hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng. Điều này ngay lập tức tác động tới thị trường thế giới.
Lý do thứ hai khiến nhu cầu kim loại màu của Trung Quốc suy yếu là tỉ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ đang tăng lên so với USD. Điều này bất lợi cho xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc. Trong khi đó, dự trữ kim loại phế liệu của Trung Quốc cũng đang rất dồi dào và họ không cần phải vội vã mua vào.

Nguồn:Vinanet