menu search
Đóng menu
Đóng

OECD: Triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới chưa thể có "màu hồng" trong năm 2008

14:38 04/09/2008
Trong dự báo lần này, OECD chưa sử dụng từ "suy thoái" để mô tả tình hình kinh tế của bất kỳ nước nào, kể cả Anh - nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng âm trong quý III/08 và IV/08. Nhà kinh tế Elmeskov nhận định rằng dù suy thoái hay không, kinh tế Anh về cơ bản đã đình trệ, kinh tế châu Âu đang lê bước, kinh tế Mỹ trông ốm yếu ngay cả khi chính phủ nước này đã cắt giảm lãi suất vào giữa năm cũng như triển khai các nỗ lực khác.
Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) ngày 2/9 dự báo kinh tế châu Âu đang tăng trưởng chậm lại nhanh hơn dự báo trong đó kinh tế Anh tiến gần đến suy thoái, còn kinh tế Mỹ và Nhật Bản khả quan hơn đôi chút.
Nhà kinh tế chủ chốt Jorgen Elmeskov thuộc OECD nhận định đà tăng lạm phát có thể dịu bớt nhờ giá dầu thô giảm và giá các hàng hóa khác có chiều hướng dịu lại, tuy nhiên khu vực đồng euro (eurozone) sẽ phải tự khắc phục mà không có sự trợ giúp từ việc lãi suất giảm.
OECD cảnh báo kinh tế eurozone và kinh tế Anh trong 6 tháng cuối năm có thể hầu như không tăng trưởng và đã hạ mức dự báo tăng trưởng của hai nền kinh tế này. 15 nước trong eurozone tuy không rơi vào tình trạng suy thoái nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2008 chỉ khoảng 1,3% so với dự đoán trước đây là 1,7%, trong khi của Anh là 1,2%, so với dự đoán 1,8% cách đây 2 tháng.
Việc điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng kinh tế eurozone nói trên cũng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Anh bởi eurozone là đối tác buôn bán lớn nhất của Anh, chi phối 50% xuất khẩu của nước này. OECD dự báo kinh tế Anh nhiều khả năng rơi vào tình trạng suy thoái ngay trong năm 2008. Theo số liệu chính thức mới nhất, kinh tế Anh quý II/08 không hề tăng trưởng. OECD dự báo kinh tế Anh sẽ giảm 0,3% trong quí III/08 và 0,4% trong quý IV/08. Theo định nghĩa về suy thoái, một nền kinh tế rơi vào suy thoái khi tăng trưởng âm trong 2 quý liên tiếp. Tình hình kinh tế ảm đạm đã đẩy đồng bảng Anh xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua so với đồng euro.
Theo OECD, ba nền kinh tế lớn nhất trong châu Âu là Đức, Pháp và Italia hầu như không tăng trưởng trong năm nay trong bối cảnh thị trường tài chính rối ren, thị trường bất động sản đi xuống và giá hàng tiêu dùng cao đã đè nặng lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo OECD, trong quý III và IV/08, kinh tế Đức tăng trưởng theo thứ tự 0% và 0,1%; pháp 0,2% và 0,6%, và Italia 0% và 0,6%.
OECD cho rằng thị trường nhà đất sụt giảm là vấn đề lớn nhất đối với các nền kinh tế phương Tây. Việc cắt giảm nguồn cung tín dụng đã làm cho tình hình trở nên xấu hơn, giá nhà ở Mỹ tiếp tục sụt giảm và xu hướng giá bất động sản đi xuống cũng lan tràn khắp châu Âu từ Tây Ban Nha, Ailen và Anh cho đến các nước khác.
OECD nhận định kinh tế Mỹ - nơi khởi nguồn xu hưởng tăng trưởng chậm lại trong thế giới công nghiệp hóa- tăng trưởng khả quan hơn trong quý II/08 nhưng vẫn rất yếu kém do cơn sụt giảm của thị trường nhà đất chưa kết thúc. OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức hàng năm 0,9% trong quý III/08 và 0,7% trong quý cuối năm.
Ông Elmeskov nói rằng OECD tỏ ra bất ngờ về mức độ sụt giảm về tốc độ trưởng GDP của Nhật Bản trong quý II/08, nhưng tăng trưởng dự báo sẽ hồi phục nhờ xuất khẩu tăng mạnh trong quý III/08, nhất là sang Trung Quốc. OECD dự báo tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong quý III và IV/08 ở mức 2,4% và 1,4%; Canađa theo thứ tự là 0,8% và 2%. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng ở mức mà G7 cảm thấy "xấu hổ" cho dù tốc độ tăng trưởng có chậm lại đôi chút. Đồng thời, nhu cầu từ các thị trường đang nổi lên này có thể có lợi cho các nước G7 có thiên hướng xuất khẩu.
OECD cũng cảnh báo giá nhiên liệu và lương thực tăng mạnh đã đẩy lạm phát lên cao, qua đó làm giảm thu nhập thực tế của người tiêu dùng. Tuy nhiên, có thể lạc quan về triển vọng lạm phát nếu giá hàng hóa tiêu dùng duy trì ở mức hiện nay. Nếu giữ được mức giá hiện tại ngân hàng trung ương châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất để thúc đẩy kinh tế phát triển. Đối với vấn đề thâm hụt ngân sách nhà nước, OECD cho rằng chính phủ cần phải dùng chính sách tiền tệ chứ không phải chính sách tài khóa cần để thúc đẩy nền kinh tế.
Thông điệp cơ bản của OECD là kinh tế nhóm 7 nước công nghiệp G7, gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italia và Canađa "rất yếu", bởi cuộc xáo động tài chính tiếp diễn dường như ngày càng được phản ánh qua những dấu hiệu yếu kém trong nền kinh tế. OECD dự báo kinh tế G7 sẽ tăng trưởng 1,4% trong năm 2008, không thay đổi so với sự báo hồi tháng 6/08.
OECD cũng đánh giá rằng các chính sách tiền tệ mà các ngân hàng trung ương, trước tiên là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), theo đuổi vào thời điểm này là thích hợp. FED đã giảm lãi suất, trong khi trong cuộc họp gần đây nhất ECB tăng lãi suất. Ông Elmeskov lý giải rằng ECB tăng lãi suất để đối phó với xu hướng lạm phát tăng lên. Ông cho rằng để duy trì sự bình ổn giá cả thì phải biết chấp nhận kinh tế tăng trưởng chậm lại một mức độ nào đó trước khi đưa được lạm phát quay trở mức được đánh giá là giá cả ổn định.

Nguồn:Thông tấn xã Việt Nam