Cụ thể, giá nguyên liệu để sản xuất thép như phôi thép, thép phế trong tháng 9 tiếp tục giảm, giá các mặt hàng thép trên thế giới tiếp tục đi xuống tác động nhiều đến thị trường.
Theo VSA, trong tháng 9 thị trường thép trong nước đã có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng từ thị trường thế giới. Xuất khẩu thép tháng 9 chỉ chiếm 15,8% tổng lượng bán hàng ra của doanh nghiệp và giảm 15,1% so với cùng kỳ.
Sản xuất các sản phẩm thép của các doanh nghiệp thành viên VSA tháng 9/2015 đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 19,95 so với cùng kỳ năm 2014 và tăng 3,9% so với tháng 8. Trong đó sản xuất một số sản phẩm thép có tăng trưởng cao như thép tôn mạ tăng 28%, thép xây dựng tăng 25%.
Theo VSA, sản phẩm thép các loại bán được trong tháng 9 tăng 16,6%, đạt 990 nghìn tấn và tăng 5,7% so với tháng 8. Trong đó tiêu thụ trong nước đạt hơn hơn 833.516 tấn và xuất khẩu đạt 156.535 tấn (chiếm 15,8% trong tổng lượng hàng bán ra của các doanh nghiệp).
VSA cho biết, nếu như quý 2 với sự phục hồi và phát triển của kinh tế trong nước, nhu cầu từ thị trường đã có dấu hiệu gia tăng mạnh mẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng tiêu thụ và đạt được mức lợi nhuận tốt thì quý 3 thị trường lại có nhiều biến động lớn, sức mua giảm sút, cạnh tranh gay gắt đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
VSA dự báo tháng 10 và quý 4 thị trường tiêu thụ thép và các sản phẩm thép có khả năng tiêu thụ tốt do nhu cầu thị trường tăng lên nhờ nhiều dự án đã, đang và sắp được triển khai, thị trường bất động sản phục hồi rõ nét.
Các nhà sản xuất thép trong nước đang tiếp tục đối mặt với thép nhập khẩu giá rẻ và sức ép từ nguồn cung dư thừa từ các nhà sản xuất Trung Quốc với chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó tính đến tháng 9, khối lượng nhập khẩu thép hợp kim của Trung Quốc tăng vọt lên tới trên 62.000 tấn (tháng 8 chỉ 3.000 tấn)
Hải Yến