menu search
Đóng menu
Đóng

Tân dược nhập khẩu từ Đức: Kim ngạch tăng, giá tăng

14:18 08/08/2008
Trong 6 tháng đầu năm 2008, kim ngạch nhập khẩu thuốc thành phẩm từ Đức đạt 18,44 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước.
 
 Trong đó, mặt hàng dịch truyền, tim mạch và kháng sinh tiếp tục dẫn đầu về trị giá nhập khẩu. Giá nhập khẩu thuốc trong thời gian qua biến động, với xu hướng tăng giá khá nhiều. Thị trường Đức đang đứng ở vị trị thứ 4 về số lượng thuốc nước ngoài đăng ký lưu hành hiện có ở nước ta và đứng vị trí thứ 7 trong số “top 10” thị trường có trị giá nhập khẩu thuốc tân dược đạt cao nhất. Kể từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu thuốc thành phẩm từ thị trường này tăng khá đều đặn qua các tháng.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan 6 tháng đầu năm 2008, các doanh nghiệp trong nước đã nhập gần 400 lô hàng thuốc thành phẩm các loại với trị giá nhập khẩu lên đến 18,44 triệu USD, tăng 11% về lượng và 15% về trị giá so cùng kỳ năm trước.
Dự báo, 6 tháng cuối năm kim ngạch nhập khẩu tân dược từ Đức vẫn tăng so cùng kỳ năm trước và đạt trên 20 triệu USD, giá thuốc nhập khẩu có xu hướng tăng với mức tăng trung bình 0,50 – 0,70 USD/hộp hoặc lọ thuốc.
Nhóm thuốc được nhập về nhiều nhất từ thị trường Đức trong 6 tháng qua là nhóm dịch truyền, tim mạch và kháng sinh. Kim ngạch nhập khẩu mỗi nhóm hàng này đều đạt cao trên 1 triệu USD. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm đến mặt hàng dịch truyền nhập khẩu từ Đức, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này hiện ở mức cao nhất và đạt 5,70 triệu USD, tăng 6% cùng kỳ năm trước. Các nhóm hàng khác như da liễu, chống viêm, ung thư, tiêu hóa… cũng có trị giá nhập khẩu cao. Nhìn chung so cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu các nhóm hàng từ thị trường này đều có xu hướng tăng nhẹ.
Mặc dù, kim ngạch nhập khẩu tân dược từ Đức chỉ chiếm khoảng trên 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thuốc thành phẩm của cả nước. Nhưng trong số các lô hàng được nhập về trong 6 tháng qua có đến 21 mặt hàng có giá biến động so thời điểm nhập khẩu trước. Trong đó, thuốc có giá tăng chiếm số lượng nhiều hơn so thuốc có giá giảm, tuy nhiên tỷ lệ tăng giảm không lớn ngoại trừ mặt hàng Cyanocobalamin ( B12) Ph Eur,Bp,Usp (Ch/10Gr) giảm giá khá mạnh từ 195,68 USD/chai vào tháng 1 thì đến tháng 3 giảm 62,68 USD/chai xuống còn 133 USD/chai; hoặc Emb Fatol 400mg h/10vỉ x 100v giá nhập trong tháng 2 là 53,63 USD/hộp nhưng đến tháng 5 giá tăng đến 77,81 USD/hộp. Giải thích cho nguyên nhân tăng giảm này chủ yếu là do sự biến động của đồng USD/Euro trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, là do sự thiếu trao đổi về thông tin giữa các doanh nghiệp nên có sự chênh lệch về giá cả.
(TTTMVN)

Nguồn:Vinanet