menu search
Đóng menu
Đóng

Thách thức của ngành dệt may Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ

10:53 21/11/2008
Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may khoảng 40%/năm, ngành dệt may của Việt Nam có nhiều triển vọng tốt trong hoạt động xuất khẩu trong tương lai.
Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn gặp một số những thách thức. Mặc dù không bị áp thuế chống bán phá giá nhưng hàng dệt may của Việt Nam vẫn chịu sự giám sát chặt chẽ bởi cơ chế giám sát hàng dệt may của Hoa Kỳ. Thêm vào đó, hiện nay Việt Nam gặp nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở hạ tầng cảng biển.
Để có thể đạt được mục tiêu đề ra là 5,4 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu và trở thành nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ hai vào Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung hơn nữa vào việc đổi mới cơ cấu, mẫu mã sản phẩm, phát triển các sản phẩm có  hàm lượng giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội dệt may Việt Nam và Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến, cũng như chấp hành nghiêm túc các yêu cầu của phía Hoa Kỳ, để tránh tình hình bất lợi đối với hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Được biết, thời điểm đầu năm 2007 lo ngại Hoa Kỳ áp dụng cơ chế giám sát đối với hàng dệt may Việt Nam sẽ dẫn đến nguy cơ hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đã rút hợp đồng làm các doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất khó khăn.
Theo số liệu của Hải quan Hoa Kỳ mới công bố, 6 tháng đầu namư 2007 (thời điểm hàng dệt may của Việt Nam bị giám sát), giá trung bình của những Cat bị giám sát có giảm, nhưng vẫn ở mức trên dưới 10%. Điều đó cũng có nghĩa giá bán của hàng dệt may Việt Nam không phá giá. Còn số liệu công bố của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, trong 6 tháng, số lượng một số Cat nằm trong diện bị giám sát như 338.339, 347.348, 647.648 đều không tăng… Như vậy, tốc độ tăng trưởng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam cũng ở mức độ vừa phải mà phía Hoa Kỳ chấp nhận được. Do đó, khả năng hàng dệt may Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá ít xảy ra.
Trước những cơ hội lớn khi là thành viên WTO thì ngành dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong cạnh tranh. Đó là hàng rào bảo hộ hàng sản xuất trong nước đã giảm đến mức tối đa. Thuế nhập khẩu hàng dệt may giảm ngay tức thì từ 11/1/2007, (thuế nhập khẩu hàng may mặc giảm từ 50% xuống còn 20%, vải từ 40% xuống còn 12%). Vì vậy, các nhà sản xuất dệt may trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm của một số nước cạnh tranh lớn như Trung Quốc, Ấn Độ…
Mặc dù, hàng dệt may Việt Nam không còn phải chịu hạn ngạch khi xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, nhưng dưới áp lực của các nhà sản xuất dệt Hoa Kỳ, Bộ Thương mại nước này đã đưa ra một rào cản mới, đó là việc xây dựng cơ chế giám sát chống bán phá giá hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Điều này đã gây tâm lý lo ngại không chỉ cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mà cả các nhà nhập khẩu và bán lẻ Hoa Kỳ.
Ngành dệt may còn phải đối mặt với hiện tượng biến động lao động. Các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh trong việc thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo cam kết song phương với Hoa Kỳ thì các biện pháp hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho ngành dệt may đã bị bãi bỏ từ ngày 30/5/2006. Có thể nói hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đã bị Chính phủ đối xử bất bình đẳng hơn so với các ngành công nghiệp khác trong các chính sách hỗ trợ phát triển.
Ngoài ra, ngành dệt may còn phải đối mặt với hiện tượng biến động lao động. Các doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh trong việc thu hút nguồn nhân lực, trình độ công nghệ và chất lượng dịch vụ marketing…

Nguồn:Vinanet