menu search
Đóng menu
Đóng

Thái Lan đẩy giá gạo xuất khẩu lên cao, Việt Nam hưởng lợi

11:09 20/12/2011
Đến thời điểm này, chính sách trợ giá mua lúa cho nông dân của Chính phủ Thái Lan (có hiệu lực từ ngày 7/10/2011) chẳng những không thể dẫn dắt giá xuất khẩu gạo của Thái Lan và khu vực Châu Á đi lên như mong đợi, mà ngược lại còn tuột dốc mạnh. Tuy nhiên, chính sách này phần nào giúp gạo Việt Nam hưởng lợi trong hơn 2 tháng qua.

Đến thời điểm này, chính sách trợ giá mua lúa cho nông dân của Chính phủ Thái Lan (có hiệu lực từ ngày 7/10/2011) chẳng những không thể dẫn dắt giá xuất khẩu gạo của Thái Lan và khu vực Châu Á đi lên như mong đợi, mà ngược lại còn tuột dốc mạnh. Tuy nhiên, chính sách này phần nào giúp gạo Việt Nam hưởng lợi trong hơn 2 tháng qua.

Phải công nhận một điều, chính sự cạnh tranh gay gắt của Ấn Độ và Pakistan đã làm “phá sản” kế hoạch đẩy giá xuất khẩu gạo của Thái Lan tăng cao, thay đổi hoàn toàn cục diện chung của thị trường gạo châu Á và thế giới.

Cách đây không lâu, các chuyên gia hàng đầu của ngành lúa gạo trong và ngoài nước cho rằng, kế hoạch của tân thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra sẽ có tác động đẩy giá xuất khẩu gạo có thể đạt tới mức giá ấn tượng 800 đô la Mỹ/tấn vào cuối năm nay.

Tuy nhiên đến thời điểm này, có thể khẳng định một điều là kế hoạch của Thái Lan đã bị “phá sản”, giá lúa gạo đã không diễn biến đúng theo phân tích, đánh giá của giới chuyên môn. Dẫu vậy, phải công nhận một điều rằng, chính chính sách này của Thái Lan đã giúp thị trường lúa gạo trong khu vực, trong đó có Việt Nam sôi động hẳn lên.

Nguyên nhân nào đã “đè bẹp” kế hoạch của Thái Lan? Do lũ lụt tồi tệ nhất trong 50 năm qua đã xảy ra ở nước này? Hay xuất phát từ một nguyên nhân nào khác?

Rõ ràng yếu tố tác động mạnh nhất vào chính sách của Thái Lan chính là việc tham gia xuất khẩu gạo trở lại của Ấn Độ và Pakistan, nó là nguyên nhân làm “phá sản” kế hoạch nâng giá xuất khẩu lên 800 đô la Mỹ/tấn của Thái Lan.

Thực tế, vào những ngày đầu tháng 9, ngay khi Ấn Độ phát ra thông tin cho phép xuất khẩu 2 triệu tấn gạo non-basmati với mức giá 400 đô la Mỹ/tấn, thấp hơn giá xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan trên 100 đô la Mỹ/tấn. Ngay lập tức thị trường gạo của Ấn Độ trở thành tâm điểm chú ý của các nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới và hàng loạt khách hàng quen thuộc của Thái Lan như Malaysia, Philippines, Indonesia… đã chạy sang Ấn Độ.

Không chỉ Ấn Độ, Pakistan cũng cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan và Việt Nam để giành thị phần xuất khẩu gạo bởi lợi thế giá rẻ. Do vướng phải sự cạnh tranh quyết liệt này nên kế hoạch đưa chiến lược giá xuất khẩu gạo lên 800 đô la Mỹ/tấn đành “phá sản”.
Việt Nam được lợi

Dù kế hoạch của Thái Lan bị “phá sản” nhưng nhìn nhận thực tế một điều, chính nhờ vào chính sách của Thái Lan đã giúp cho Việt Nam- nước xuất khẩu đứng ở vị trí thứ 2 thế giới hưởng được nhiều lợi ích từ chương trình này.

Thực tế trong suốt thời gian chính phủ Thái Lan áp dụng chính sách trợ giá thu mua cho nông dân Thái đã đẩy giá lúa gạo thế giới, trong đó có Việt Nam, hình thành một mặt bằng giá mới, dù không đạt tới con số 800 đô la Mỹ/tấn như mong đợi của Thái Lan.

Chính điều này đã giúp giá lúa, gạo của Việt Nam luôn đứng ở mức cao, và đây cũng là lần đầu tiên ngành lúa gạo Việt Nam có khối lượng, giá trị xuất khẩu đạt con số kỷ lục. Nông dân Việt Nam có điều kiện bán sản phẩm với giá khả quan hơn trước đó.
Xong, cũng phải thừa nhận một điều là thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng gặp khó khăn bởi ảnh hưởng từ sự cạnh tranh của Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu của 2 nước này không đủ để có thể làm xấu đi thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam vì so với Thái Lan, giá bán gạo của Việt Nam vẫn là lựa chon số 1 từ các nhà nhập khẩu.

Đến giờ phút này, có thể nói chương trình kích giá gạo xuất khẩu của Thái đã phần nào giúp nông dân và các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam hưởng lợi trong hơn 2 tháng qua.

Nguồn:Thời báo kinh tế Sài Gòn