menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường da giày thế giới tháng 8/08

03:09 11/09/2008
              Tháng 8/08, hoạt động xuất nhập khẩu da – giày chậm lại do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm. Tuy nhiên, lợi nhuận của các hãng sản xuất da giày lớn trên thế giới như Adidas, Nike và các hãng sản xuất của Trung Quốc lại tăng mạnh nhờ nhu cầu mạnh mẽ trong dịp Thế vận hội Olympic Bắc Kinh. Các kế hoạch đầu tư vào ngành da giày vẫn diễn ra sôi động trên các thị trường.
             Tại Trung Quốc, nước sản xuất da giày lớn nhất thế giới và chiếm hơn một nửa tổng mậu dịch da giày toàn cầu, ngành da giày đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây. Hiện tại, các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Adidas, Nike, Luis Vuiton ... đều có nhà máy sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
              Các sản phẩm da giày của Trung Quốc được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới, đặc biệt là loại có giá vừa và rẻ. Ở nhiều nơi, người tiêu dùng dù biết chất lượng sản phẩm của Trung Quốc không được tốt, nhưng họ vẫn chọn nhờ kiểu dáng đẹp và giá cả phải chăng.
             Các địa phương sản xuất da giày chủ chốt của Trung Quốc là Quảng Đông, Phúc Kiến, Thiên Tân và Châu Giang.
               Tại Ấn Độ - một trong 15 nước có sản lượng da lớn nhất thế giới, và là nhà sản xuất và xuất khẩu giày dép lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc - đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong lĩnh vực da giày tại nhiều nước trên thế giới trong đó có  Etiopia và Ai Cập. Mới đây, Liên hiệp Công nghiêp Ấn Độ (CII) đã tổ chức đi khảo sát hai thị trường này và nhận thấy đây là những thị trường hứa hẹn nhiều tiềm năng do nguyên liệu dồi dào và chi phí nhân công thấp. Trong khi đó ở thị trường trong nước, ngành da giày nước này phát triển mạnh và đang thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu thô. Trước tình hình này, các nhà sản xuất giày dép đã yêu cầu chính phủ miễn thuế nhập khẩu đối với một số nguyên liệu thô như keo dán giày.
              Hãng Nghiên cứu Công nghiệp Toàn cầu (RNCOS) mới đây đã đưa ra báo cáo Phân tích Công nghiệp Da giày Ấn Độ. Theo đó, trong vài năm trở lại đây, thị trường giày dép Ấn Độ đã có sự tăng trưởng khả quan và triển vọng sẽ đạt mức tăng phi thường trong những năm tới. Thị trường giày dép bán lẻ nước này sẽ tăng trưởng trên 20% trong vòng 3 năm tới. Lợi nhuận của ngành giày dép Ấn Độ chủ yếu nhờ vào chi phí sản xuất thấp, nguyên vật liệu dồi dào và tiêu thụ mạnh. Tiêu thụ giày dép trên thị trường bán lẻ chủ yếu là giày nam và cơ hội để phát triển giày dép dành cho nữ và trẻ em còn rất nhiều.
              Trong tài khoá 2008/09 bắt đầu từ tháng 4 năm nay, Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu da và đồ da là 3,47 tỷ USD, tăng 13,67% so với tài khoá trước.
Tại Thái Lan, việc đồng baht tăng giá mạnh cùng với những bất ổn về chính trị ngày càng leo thang, hoạt động thương mại nói chung và xuất khẩu da giày nói riêng trong tháng qua chịu nhiều ảnh hưởng xấu.
              Trong cả năm 2008, ngành da giày Thái Lan chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 5% lên 101 tỷ USD, chủ yếu là do đồng baht tăng giá. Sự mạnh lên của đồng baht đã khiến các nhà sản xuất da giày nước này phải đối mặt với chi phí sản xuất cao hơn do giá năng lượng tăng. Sản phẩm của Thái Lan vì thế trở nên đắt hơn so với mặt hàng cùng loại của Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, Thái Lan cũng đang nghiên cứu và dự kiến sẽ hoàn tất và thông qua biện pháp nhằm tăng cường đầu tư và phát triển các sản phẩm bao gồm da thuộc, giày dép da, giày dép thể thao, túi xách và vali da trong tháng 9 tới đây. Hiện tại Thái Lan chỉ giữ 2% thị phần trên thị trường da giày thế giới.
              Trong khi đó ở Indonesia, ngành da giày nước này lại đặt mục tiêu tăng trưởng khá cao trong năm nay nhờ thu hút được đầu tư mạnh mẽ từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Trong tháng 8, Hiệp hội các nhà sản xuất giày dép nước này đã đưa ra dự đoán kim ngạch xuất khẩu giày dép trong cả năm nay sẽ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 20% so với 1,6 tỷ USD của năm ngoái.
            Ở Pakistan, nơi được coi là có nhiều triển vọng trong lĩnh vực da thuộc, cũng đang trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ chi phí lao động thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào và có truyền thống về chất lượng sản phẩm. Ngành da thuộc nước này đang kêu gọi chính phủ có các biện pháp nhằm hỗ trợ cả về công nghệ lẫn tài chính để sản phẩm của họ có thể cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Bănglađét và Italia.
            Thời gian gần đây, ngành công nghiệp thời trang thế giới còn chú ý đến một thị trường mới nổi lên đó là Serbia. Đây là thị trường da giày có truyền thống lâu dài về chất lượng máy móc sản xuất, và các công ty của Serbia đang là những đối tác tin cậy, có thể cung cấp sản phẩm theo yêu cầu của nhiều thị trường. Họ là nguồn cung cấp sản phẩm thứ cấp chất lượng cao cho các nhà bán lẻ châu Âu và đáp ứng cả những đơn hàng nhỏ với quá trình vận chuyển nhanh chóng. Người ta cho rằng, sự kết hợp của Serbia với thị trường thế giới cho phép những mẫu thời trang da giày mới nhất được nhanh chóng tung ra thị trường.
Về lợi nhuận trong ngành da giày thế giới, các hãng sản xuất hàng đầu như Adidas và Nike, cùng với những nhà sản xuất khác của Trung Quốc đã bội thu trong tháng 8 vừa qua nhờ thế vận hội Olympic.
Đối với Adidas, nhà sản xuất giày dép và đồ thể thao lớn thứ hai thế giới, chiếm 21,8% thị phần, sau Nike với 36%, cho biết lợi nhuận của hãng đã tăng vọt trong tháng 8 nhờ nguồn hàng cung cấp cho Olympic. Giám đốc điều hành Adidas, Herber Hainer, cho biết hãng này sẽ đạt mức tăng trưởng trên 50% và lợi nhuận là trên 15% trong cả năm nay. Riêng tại thị trường Trung Quốc, hãng chắc chắn sẽ đạt mức tăng trưởng ở hai con số và sẽ bắt kịp với Nike vào cuối năm nay.
            Còn với Nike, nhà thiết kế, sản xuất và phân phối quần áo, giày dép và dụng cụ thể thao có độ tin cậy hàng đầu thế giới, cũng thu được lợi nhuận không nhỏ trong thời gian qua. Hãng này còn có dự định mua lại các đối thủ cạnh tranh để củng cố vị trí đầu bảng và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của mình. Mới đây nhất, Nike đã tiết lộ kế hoạch mua lại China’s Li Ning của Trung Quốc và những đối thủ từ Nhật Bản để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của hãng tại châu Á. Nike cho biết, trong quý cuối năm nay, lợi nhuận của hãng sẽ tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ doanh số bán tăng tại khu vực châu Á thái Bình Dương và châu Âu.

Nguồn:Vinanet