menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam: chờ đợi những nhà đầu tư nhiệt huyết

16:22 05/09/2008
Trên thế giới, những người khổng lồ đã đầu tư vào ngành công nghiệp đồ chơi từ nhiều thập kỷ nay và gặt hái những thành công rất lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngành công nghiệp này vẫn đang chờ đợi những nhà đầu tư nhiệt huyết.

Những mặt hàng đồ chơi nổi tiếng như búp bê Barbie, xe hơi đồ chơi (Hot Wheels), Indiana Jones đều được sản xuất và bán rất chạy trên toàn thế giới bởi các hãng sản xuất đồ chơi nổi tiếng như Mattel hay Hasbro, hay trò game online Play Station được sản xuất bởi người khổng lồ Nhật Bản Namco Bandai.

Thị trường đồ chơi thế giới được định giá khoảng 67 tỷ USD trong năm 2006 và ước tính khoảng 71 tỷ đôla trong năm 2007 theo tính toán của công ty nghiên cứu NPD Group. Trong số ấy, thị trường Bắc Mỹ có giá trị lớn nhất, chiếm 36%; tiếp sau đó là thị trường Châu Âu đứng thứ hai với 29%; thứ ba là Châu Á với 24%; theo sau bởi Mỹ Latin (7%), Châu Úc và Châu Phi (2%).

Thị trường Châu Á (trong đó có Việt Nam) với số lượng trẻ em ước tính là 1.081 triệu trẻ, đông nhất thế giới, gấp 3 lần số trẻ em ở thị trường Châu Phi đứng thứ 2 với 374 triệu trẻ. Không chỉ có sức hấp dẫn về tiềm năng tiêu thụ lớn, thị trường Châu Á còn có ưu điểm là mức sống và thu nhập của người dân đang được cải thiện rất nhanh và xã hội ngày càng quan tâm hơn tới việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ.

Mặc cho những khó khăn của kinh tế thế giới cuối năm 2007 và nửa đầu 2008 do ngòi nổ của cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn ở Mỹ, sau đó là nạn lạm phát và sự xuống dốc của thị trường tài chính toàn cầu, các người khổng lồ trong ngành sản xuất đồ chơi vẫn "tranh thủ" gặt hái được các khoản lợi nhuận kinh doanh lớn. Mattel, hãng sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới vừa báo cáo lợi nhuận quý II lên tới 11,8 triệu USD, doanh số bán hàng tăng 11%. Hasbro, hãng sản xuất lớn thứ hai, đã báo cáo lợi nhuận quý II tới 37,5 triệu USD, tương đương với 25 xu/cổ phiếu, cao hơn so với dự đoán chỉ là 22 xu; doanh số bán hàng của Hasbro tăng 13%.

Việt Nam - với dân số khoảng 85 triệu người, tỷ lệ trẻ (0-14 tuổi) chiếm khoảng 36% dân số (theo điều tra mức sống hộ gia đình 2006 của Tổng cục Thống kê). Bên cạnh dân số trẻ, mức sống của người Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể, chính vì vậy các hộ gia đình có điều kiện hơn để mua sắm cho con cái. Những yếu tố đó khẳng định tiềm năng tiêu thụ lớn của thị trường đồ chơi Việt Nam. Chính sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam khiến các hãng sản xuất đồ chơi của Nhật Bản chú ý đầu tư, trong đó công ty Takara Tomy - hãng sản xuất đồ chơi hàng đầu của Nhật Bản đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ôtô đồ chơi tại Hải Phòng, cuối năm 2008 sẽ đi vào hoạt động.

Ở Việt Nam cũng đã có các cơ sở sản xuất sản phẩm đồ chơi trẻ em gặt hái được những thành công nhất định, như sản phẩm thú nhồi bông của làng nghề Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội (Hà Tây cũ) đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho nhiều gia đình; sản phẩm của công ty CP chế biến gỗ Đức Thành, Gò Vấp, TP HCM đã được xuất khẩu cả ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, thị trường đồ chơi trẻ em Việt Nam vẫn vắng bóng những tên tuổi sản xuất trong nước tầm cỡ, hàng Trung Quốc chất lượng chưa cao vẫn được bày bán tràn lan, hàng của các hãng tên tuổi thì đắt đỏ.

Trung Thu, Quốc tế Thiếu nhi là những dịp các bậc cha mẹ mua sắm nhiều nhất làm quà cho con, nhưng Trung Thu năm nay, tình hình lạm phát đã khiến các mặt hàng đồ chơi trong nước không đuổi kịp so với hàng Trung Quốc với mẫu mã phong phú và giá rẻ. Tuy nhiên, do giá rẻ nên hàng Trung Quốc không thể che giấu các nhược điểm như dễ bị hư hỏng, dùng nguyên liệu sản xuất độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Nhược điểm ấy của hàng Trung Quốc cộng với tiềm năng chưa được quan tâm đúng mức của thị trường trong nước là cơ hội thực sự cho những nhà đầu tư biết tính toán.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật đối với đồ chơi trẻ em. Theo đó, DN trong nước sản xuất đồ chơi trẻ em sẽ phải tuân thủ quy chuẩn này. Hàng nhập khẩu được lấy mẫu kiểm tra ngay tại cửa khẩu xem có đạt chuẩn hay không, nếu không sẽ không được nhập vào Việt Nam. Hàng đang bày bán ngoài thị trường cũng sẽ được lấy mẫu để kiểm tra, nếu không đạt chuẩn có thể bị tịch thu, tiêu hủy. Bộ quy chuẩn này đặt ra một số chỉ tiêu nhằm bảo vệ trẻ em. Cụ thể, không được dùng vật liệu dễ bắt lửa, vật liệu có lông... để chế tạo đồ chơi, thậm chí không được dùng thủy tinh và sứ để chế tạo đồ chơi cho trẻ dưới 36 tháng tuổi. Quy định này có thể "siết" lại một số đồ chơi như râu giả, tóc giả, quần áo hóa trang. Thậm chí các hạt nhựa phình nở đủ màu rộ lên lâu nay cũng sẽ bị cấm vì quy chuẩn này chỉ cho phép vật liệu giãn nở đến 50% khi gặp nước.

 

Nguồn:Diễn đàn doanh nghiệp