menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường gạo châu Á tuần 25/6 – 02/7/2009: nhu cầu từ Philippine và châu Phi giữ giá vững

17:00 03/07/2009
Nhu cầu từ Philippine và châu Phi giữ cho giá gạo vững; Việt Nam có thể xuất khẩu 6 triệu tấn gạo

Giá gạo Thái Lan và Việt Nam dự báo sẽ vững trong tháng này do nhu cầu nhập khẩu khoảng 900.000 tấn từ Philippine và châu Phi.

Cũng chính điều này có thể nâng xuất khẩu gạo Việt nam lên 6 triệu tấn trong năm nay.

Yếu tố chính điều khiển xu hướng giá lúc  này là Philippine, khách hàng lớn nhất thế giới. Philippine dự kiến mua khoảng 500.000 tấn gạo trong quý III năm nay.

Theo một thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi chỉ riêng việc Philippine mua 500.000 tấn gạo cũng đủ cho thị trường sôi động, mặc dù khác khách hàng lớn khác không tham gia vào lúc này.

Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine (NFA) sẽ nhập khẩu thêm 350.000 tấn gạo quy xay, ngoài lượng 1,5 triệu tấn đã mua của Việt nam.

Manila cũng đã cho phép các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu 200.000 tấn gạo từ nay tới 31/8/2009.

Giá tham khảo gạo 100% B của Thái Lan tuần qua vững ở 580 USD/tấn, FOB, là tuần thứ 3 duy trì ở mức giá này.

Gạo 5% tấm của Việt Nam có giá tăng lên 410 – 415 USD/tấn, FOB, so với 400 – 410 USD/tấn một tuần trước đây, nhờ nhu cầu cao hiện nay, và hy vọng sẽ ký được hợp đồng mới với Manila và châu Phi.

Tuy nhiên, giá sẽ không tăng nhiều vì vụ thu hoạch mới sẽ tới trong 2 tuần nữa.

Dự trữ của châu Phi giảm:

Giá gạo tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu cao đối với gạo sấy từ các khách hàng châu Phi,  bởi họ đang tích cực bổ xung vào kho dự trữ trước tháng lễ hội Ramadan.

Tuy nhiên, nhu cầu từ châu Phi dự báo sẽ không kéo dài.

Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan hy vọng sẽ bán được trên 500.000 tấn gạo sấy sang châu Phi, khoảng 290.000 tấn trong tháng 5 và 300.000 tấn trong tháng 6 vừa qua.

Các thương gia cho biết châu Phi dự kiến sẽ mua 400.000 tấn gạo trong tháng 7 và tháng 8 tới, bao gồm 100.000 tấn gạo sấy của Thái Lan trong tháng này, và khoảng 300.000 tấn gạo Việt Nam trong tháng 7 và tháng 8,  bởi sẽ không thể mua nhiều của Ấn Độ.

Vào đầu tháng 5, Ấn Độ cho phép 3 công ty quốc doanh xuất khẩu 1 triệu tấn gạo phi – basmati sang 21 nước châu Phi. Tháng vừa qua, 1 trong 3 công ty này thông báo sẽ bán 25.000 tấn sang Nam Phi.

Việt nam dự kiến sẽ xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng 21,5% so với năm ngoái, sau khi các nhà xuất khẩu ký hợp đồng bán trên 5 triệu tấn gạo.

Các nhà xuất khẩu VN đã ký hợp đồng bán 800.000 tấn gạo chỉ riêng trong tháng 6. Dự báo xuất khẩu gạo trong cả năm nay sẽ vượt mục tiêu ban đầu của Chính phủ là 5 triệu tấn, và sẽ cao hơn mức 5,2 triệu tấn mà Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo.

Việt Nam đã xuất khẩu 3,8 triệu tấn gạo trong nửa đầu năm nay, tăng 56,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thái Lan đã xuất khẩu 4,1 triệu tấn gạo trong cùng kỳ, giảm 26% so với năm ngoái. Nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đặt mục tiêu bán 8 – 8,5 triệu tấn gạo trong năm nay, so với 10 triệu tấn năm 2008.

Uỷ ban Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Trung Quốc cần phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát gạo biến đổi gien xuất khẩu - loại gạo không được phép nhập khẩu vào EU.

Báo cáo mới nhất của EU dựa trên kết quả cuộc kiểm tra hồi cuối tháng 11 - đầu tháng 12 của nhóm thanh tra EU tại Trung Quốc, về sự có mặt của loại gạo Bt-63, một loại gạo đã được biến đổi gien để kháng sâu bệnh.

Trung Quốc có 29 phòng thí nghiệm dùng để kiểm tra và phân tích Bt-63 trong các sản phẩm gạo. Trong khi báo cáo của EU cho biết những phòng thí nghiệm này được trang thiết bị tốt, và nhân viên có chuyên môn, song những vấn đề khác trong dây chuyền kiểm tra cần được chú ý tới.

Hiện tại, gạo không biến đổi gien có thể được trồng, bán tại 27 quốc gia EU, nơi người tiêu dùng vốn rất có ác cảm với gạo biến đổi gien.

Chính Trung Quốc cũng chưa thông qua việc cho trồng gạo biến đổi gien thương phẩm tại nước này.

Nhập khẩu gạo và sản phẩm gạo Trung Quốc vào EU chiếm khoảng 4 – 5% tổng nhập khẩu các sản phẩm này. Song một số sản phẩm gạo có tỷ lệ thị phần cao hơn, như bột gạo đã chế biến hoặc đã làm chín – có tới 40% nhập từ Trung Quốc.

 

Nguồn:Vinanet