menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường gạo thế giới tuần 19 – 26/11/2010: giá vững

15:56 29/11/2010

Giá gạo Châu Á tương đối vững trong tuần qua, được hậu thuẫn bởi lượng dự trữ ở Việt Nam không còn nhiều và nhu cầu tăng trong mấy tuần qua.
  
  
   * Giá gạo Châu Á vững trong tuần 19 – 26/11/2010 trong bôíi cảnh nhu cầu chậm lại
   * Giá gạo Thái Lan sẽ giảm do nguồn cung tăng lên
   * Xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục cao

Giá gạo Châu Á tương đối vững trong tuần qua, được hậu thuẫn bởi lượng dự trữ ở Việt Nam không còn nhiều và nhu cầu tăng trong mấy tuần qua.

Tuy nhiên, xu hướng giá vững chưa chắc sẽ duy trì lâu bởi nguồn cung tăng từ Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang tăng lên, và nhu cầu có chiều hướng chậm lại.

Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, giá tiếp tục tăng trong tuần qua, mặc dù không có nhu cầu mới. Nguyên nhân bởi dự trữ còn rất ít.

Gạo 5% tấm của Việt Nam giá tănglên 505 – 510 USD/tấn, FOB, so với 500 – 505 USD/tấn tuần qua.

Gạo 25% tấm giá cũng tăng lên 480 USD/tấn so với mức 405 – 460 USD/tấn một tuần trước đây.

Một thương gia ở Cần Thơ cho biết: “Khi mức chênh lệch giá giữa gạo Thái Lan và gạo Việt Nam lên tới 30 – 40 USD/tấn, khách hàng có thể mua gạo Việt Nam, nhưng lúc này lượng dự trữ không còn nhiều”.

Do giá cao, hoạt động giao dịch chững lại, cầm chân khách hàng ở ngoài thị trường.

Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, gạo 100% B giá tăng nhẹ lệ 550 USD/tấn, so với 530 USD/tấn 10 ngày trước đây, nhờ nhu cầu từ Iran và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu đang chậm dần lại bởi hầu hết khách hàng đã mua đủ lượng dự trữ.

Iran đã mua 30.000 tấn gạo Thái Lan từ một nhà xuất khẩu tư nhân (hàng giao ngay). Nếu giá giảm xuống, có khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vào.

Các thương gia dự báo giá gạo Thái Lan sẽ giảm trong những tuần tới do nguồn cung tăng bởi nông dân ở một số khu vực bắt đầu thu hoạch vụ lúa chính.

Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã điều chỉnh giảm mức dự báo về sản lượng lúa vụ chính niên vụ 2010/11 xuống 22,3 triệu tấn do lũ lụt, thấp hơn mức 22,6 triệu tấn dựbáo trrước đây và so với 23 triệu tấn ở những năm trước.

Thái Lan đã xuất khẩu 7,6 triệu tấn gạo từ đầu năm tới nay, giảm nhẹ so với 7,7 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Họ nhằm mục tiêu xuất khẩu 8,5 triệu đến 9,5 triệu tấn gạo trong năm 2010.

Lượng gạo của Thái Lan xuất khẩu đã tăng mạnh trong một vài tuần gần đây. Một quản lý cấp cao ngành gạo cho biết, xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể vượt mục tiêu 8,5 triệu tấn trong năm 2010 do người mua đã quay lại gạo Thái Lan trong bối cảnh nguồn cung tại Việt Nam bị hạn chế. Ước tính, Thái Lan xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong 10 tháng đầu năm 2010.

Chookiat Ophaswongse cho biết người mua ở Châu Phi, Trung Đông, Châu Âu và thậm chí Trung Quốc đang hướng tới thị trường gạo Thái Lan. Iran, quốc gia thường nhập khẩu gạo với số lượng lớn từ Pakistan, Việt Nam và Uruquay đã mua khoảng 200 nghìn tấn gạo Thái, giao hàng trong tháng 11.

Xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 890 nghìn tấn trong tháng 10, mức cao nhất của các tháng trong năm 2010. Các tàu chở gạo nối đuôi nhau neo đậu tại các cảng của Thái Lan hiện nay cho thấy xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể đạt ít nhất 830 nghìn tấn vào tháng 11. Do nhận được các đơn hàng khá lớn nên trong vòng 12 ngày đầu tiên của tháng 11, các nhà xuất khẩu Thái Lan đã xuất đi khoảng 400 nghìn tấn gạo. 

Chính phủ Thái Lan đã tạm dừng các hoạt động bán gạo từ kho gạo chính phủ và yêu cầu các cơ quan liên quan xem xét các kế hoạch. Phó tổng thư ký của thủ tướng Abhisit Vejjajiva trả lời qua điện thoại rằng ban đầu, Thái Lan đã từng lên kế hoạch giảm lượng gạo dự trữ trong kho gạo chính phủ xuống 1 triệu tấn sau khi hoạt động bán gạo hồi đầu năm đã khiến lượng gạo tồn kho giảm xuống khoảng 2 triệu tấn. Những điều chỉnh sẽ được thực hiện căn cứ vào mức thiệt hại của mùa màng.
Năm nay, xuất khẩu gạo của Thái Lan ước tính khoảng hơn 8,5 triệu tấn, đạt giá trị 200 tỷ baht (tương đương 6,6 tỷ USD). Dự báo, năm tới, nước này sẽ xuất khẩu từ 8,5 đến 9,5 triệu tấn gao, nhưng giá trị cao hơn. Một kế hoạch đang được chuẩn bị để tăng giá trị xuất khẩu gạo đạt 500 tỷ baht trong vài năm tới.

Chiến lược xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2011 là tập trugn vào chất lượng thay vì cạnh tranh về giá cả.

Trong cuộc Hội thảo 'Chính sách lúa gạo của Thái Lan năm 2011' được tổ chức mới đây tại Bangkok, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Porntiva Nakasai cho rằng, mặc dù lũ lụt, xuất khẩu gạo năm nay sẽ không giảm so với năm ngoái. Từ năm tới, trọng tâm chính sách xuất khẩu gạo của Thái Lan không vì số lượng, mà vì chất lượng đặc biệt là gạo cao cấp để có giá cao. Bà Porntiva khẳng định, với mục tiêu chất lượng, giá trị xuất khẩu gạo của Thái Lan có thể tăng đến 500 tỷ baht hoặc nhiều hơn trong ít năm tới; Thái Lan sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng như Việt Nam, Lào và Campuchia kiềm chế giá gạo giảm và cùng tăng cường tiếp thị, mở rộng thị trường. Giá gạo thế giới được dự báo có thể giảm vào năm tới, nhưng nhìn chung nhu cầu gạo có xu hướng tăng, do các thảm họa thiên nhiên nhiều nơi trên thế giới.

Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Theera Wongsamut thông báo, lũ lụt tồi tệ nhất trong năm thập niên qua tại Thái Lan, đã tàn phá 2/3 diện tích đất nước, làm 244 người chết; mùa màng bị tàn phá, sản lượng từ vụ thu hoạch chính năm nay có thể xuống thấp hơn ước tính trước đây. Sản lượng lúa gạo và các cây trồng chính, bắt đầu được thu hoạch vào tháng trước (chiếm 70% tổng sản lượng nông sản cả năm, có thể giảm 7% so với năm ngoái). Vụ lúa mùa này giảm tới 1,6 triệu tấn, còn khoảng 21,7 triệu tấn. Lũ lụt làm giảm tới 0,3% GDP (từ 8,3 % xuống còn 7,9%). Lũ làm ngập 11 triệu rai đất nông nghiệp ( khoảng 17 nghìn km2) tương đương 8,5% diện tích canh tác, trong đó có 8,3 triệu rai trồng lúa tương đương 15% diện tích lúa vụ mùa chính. Bốn triệu rai lúa mất trắng. Tổng số thiệt hại do lũ lụt sẽ được thống kê giữa tháng 12 tới. Vụ lúa phụ vào tháng 4 năm sau có thể đạt sản lượng 9,3 triệu tấn so với năm nay 8,26 triệu tấn (do hạn hán và dịch rầy nâu).

Chủ tịch Hiệp hội xay xát lúa gạo Thái Lan Charnchai Rakthananon cho biết, tổng công suất xay xát, chế biến gạo của Thái Lan đạt 100 triệu tấn lúa/năm, trong khi tổng sản lượng lúa của nước chỉ từ 30 đến 33 triệu tấn/năm. Với công suất xay xát được xây dựng quá mức, Thái Lan có thể tận dụng đặc quyền của Khu vực tự do thương mại ASEAN (AFTA), hợp tác với Việt Nam, nơi có đến 45 triệu rai đất trồng lúa, xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm nay, trong đó có một phần nhập khẩu lúa từ Campuchia để xay xát và xuất khẩu. Điều này đưa vị trí của Việt Nam như là một nhà kinh doanh gạo thực thụ, trong khi Thái Lan không thể nhập khẩu lúa gạo từ nước láng giềng để chế biến. Ông Charnchai kêu gọi chính phủ nghiêm túc xem xét thay đổi chính sách lúa gạo, cho phép nhập khẩu lúa để chế biến và xuất khẩu tận dụng công suất chế biến và thị trường xuất khẩu gạo của Thái Lan.

Về những thông tin liên quan, Chính phủ Philippine sẽ quyết định về kế hoạch nhập khẩu gạo năm 2011 vào ngày 6/12/2010.

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippine Proceso Alcala cho biết Philippine vẫn phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo vào năm 2011 sau khi ước tính sản lượng gạo trong năm nay giảm còn 16,02 triệu tấn do thời tiết bất lợi. Ông Alcala cho biết khu vực tư nhân sẽ nhập khẩu phần lớn lượng hàng này, trong khi chính phủ thông qua Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA), se chỉ nhập phần còn lại hoặc đủ gạo dự trữ trong 30 ngày.

Cũng theo ông, không giống như chính phủ trước khia, Bộ Nông nghiệp sẽ không ngăn cản bất kỳ việc nhập khẩu gạo trong năm tới. Thay vào đó, NFA có thể sẽ nhập khẩu nhiều đợt và sau khi đàm phán được mức giá hợp lý.

Bộ Nông nghiệp đang chuẩn bị lộ trình tự túc gạo để trình bày cho Tổng thống Aquino và các thành viên nội các trong tuần này. Theo Thứ trưởng Nông nghiệp Joel Rudinas , chương trình sản xuất tích cực, chương trình quản lý nhu cầu và phối hợp can thiệp thị trường là những yếu tố chính của lố trình.

Chính phủ Bangladesh chuẩn bị ký kết thoả thuận lâu dài về việc nhập khẩu gạo khẩn cấp với Việt Nam. Bộ trưởng Lương thực Abdur Razzaque đã thông báo với giới báo chí rằng: "Chúng tôi sẽ đạt được thoả thuận với Việt Nam sớm để mua gạo bất cứ lúc nào trong trường hợp có khủng hoảng hay thiên tai," ông nói.

"Một phái đoàn Việt Nam sẽ sớm sang thăm Bangladesh để thúc đẩy tiến trình này”. Ít nhất 300-500 ngàn tấn gạo có thể được nhập khẩu theo thoả thuận.

Bộ trưởng Lương thực nói thêm rằng chính phủ đã nhập khẩu 95 ngàn tấn gạo từ Việt Nam và 100 ngàn tấn nữa cho năm tiếp theo.

Razzaque cho biết việc nhập khẩu lúa mì từ Nga sẽ tiếp tục lại vào muà tới. "Chính phủ Nga đã ra lệnh cấm xuất khẩu lúa mì cho đến tháng 6 năm tới do làn sóng cực đoan trong nước. "Chính phủ sẽ tiếp tục nhập khẩu ngay sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ," ông bảo.

"Hiện tại khả năng dự trữ quốc gia của chúng tôi là 750 ngàn tấn. Chúng tôi hy vọng nâng cao năng lực này đến 3 triệu tấn vào năm 2020," ông nói. Chính phủ ước tính nhu cầu ngũ cốc hàng năm của Bangladesh khoảng 30 triệu tấn.

(Vinanet)