menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường gạo thế giới tuần 27/11 – 2/12: nhu cầu từ Indonexia đẩy giá gạo Thái tăng

11:22 02/12/2010

Nhu cầu mới từ Indonexia đã đẩy giá gạo Thái Lan tăng trong tuần qua, mặc dù xu hướng tăng bị hạn chế bởi nguồn cung tăng khi Thái Lan bước vào vụ thu hoạch. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ trong tuần qua bởi khách hàng vẫn chỉ đứng ngoài quan sát bởi lượng dự trữ không còn nhiều.
  
  
   * Nhu cầu mới hỗ trợ giá gạo Thái trong những tuần tới
   * Giá gạo Việt Nam vững bởi dự trữ không còn nhiều

Nhu cầu mới từ Indonexia đã đẩy giá gạo Thái Lan tăng trong tuần qua, mặc dù xu hướng tăng bị hạn chế bởi nguồn cung tăng khi Thái Lan bước vào vụ thu hoạch.

Giá tham khảo gạo 100% B của Thái Lan chào ở mức 555 USD/tấn trong ngày 1/12/2010, tăng so với mức 530 USD/tấn một tuần trước đây.

Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonexia, Bulog, ngày 30/11 đã mở thầu mua 100.000 tấn gạo 5% tấm của Thái Lan, kỳ hạn giao tháng 2.

Các thương gia cho biết Bulog chuyển hướng sang tìm mua gạo Thái Lan bởi Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, hiện không còn nhiều gạo để xuất khẩu.

Tổng Vụ trưởng phụ trách nội thương Bộ Thương mại Indonesia, ông Subagyo cho biết Bộ này sẽ tạm ngừng đánh thuế đối với gạo nhập khẩu nhằm hỗ trợ Cơ quan Hậu cần quốc gia (Bulog) trong việc bình ổn giá mặt hàng này.

Ông Subagyo cho rằng quyết định trên sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến giá gạo trong nước, vì chỉ được thực thi trong một thời gian ngắn, nhằm hỗ trợ hoạt động thị trường của Bulog, góp phần ngăn chặn tình trạng tăng giá gạo trong nước.

Tháng 11, giá gạo ở Indonesia tăng trung bình 5% so với tháng trước, đặc biệt một số nơi tăng rất cao, chẳng hạn như ở Banda Aceh (thủ phủ tỉnh Aceh) tăng tới 7,47%, Palembang (tỉnh Nam Sumatra) tăng 13,81% và Sofifi (tỉnh Bắc Maluku) tăng 9,25%.

Bulog thường tiến hành các hoạt động can thiệp khi giá gạo trong nước tăng quá cao. Trong tháng vừa qua, giá mỗi cân gạo do Bulog bán ra thấp hơn giá trên thị trường tự do từ 500-700 rupiah.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ trong tuần qua bởi khách hàng vẫn chỉ đứng ngoài quan sát bởi lượng dự trữ không còn nhiều.

Gạo 5% tấm của Việt Nam hiện giá 490 – 505 USD/tấn, FOB, so với 505 – 510 USD/tấn tuần trước.

Gạo 25% tấm của Việt Nam có giá 460 – 470 USD/tấn, so với 480 USD/tấn tuần trước.

Trong 11 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu kỷ lục 6,21 triệu tấn gạo, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định xuất khẩu cả năm có thể đạt 6,66 triệu tấn.

Pakistan đặt mục tiêu xuất khẩu gạo trong tài khoá 2010/11 đạt 4 triệu tấn, cao hơn khoảng 1 triệu tấn so với dự báo trước đây.

Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Pakistan (REAP), Irfan Ahmed Sheikh, cho biết tổng sản lượng gạo của nước này sẽ đạt 6 triệu tấn.  Nước này tiêu thụ khoảng 2,2 triệu tấn mỗi năm, và là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ 5 thế giới.

Pakistan có khoảng nửa triệu tấn gạo dự trữ từ vụ trước, và chủ yếu xuất khẩu gạo Basmati hạt dài sang Trung Đông, Châu Âu và Châu Á. Lúa gạo là cây trồng quan trọng thứ 3 ở Pakistan, sau lúa mì và bông, và góp khoảng 1,6% vào tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Vụ 2009/10, Pakistan có vụ mùa bội thu với 6,7 triệu tấn quy gạo, và xuất khẩu khoảng 4,5 triệu tấn. Trong giai đoạn tháng 7 – 10 niên vụ 2010/11, xuất khẩu gạo basmati đạt 304.141 tấn, gần tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Bănglađét, quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất Nam Á, có kế hoạch tăng gấp đôi lượng mua gạo vào kho quốc gia trong năm nay bởi nông dân còn giữ nhiều lúa và dự báo giá sẽ tăng lên.

Nhập khẩu có thể tăng lên 600.000 tấn trong năm bắt đầu từ 1/7, so với 245.000 tấn năm trước đó.

Có thông tin cho biết Bănglađét đã quyết định quay sang nhập khẩu gạo từ Việt Nam sau khi Ấn Độ thông báo từ chối xuất khẩu 300.000 tấn gạo đồ.

Bộ trưởng Bộ Lương thực thực phẩm, Tiến sỹ Abdur Razzak trả lời phỏng vấn báo chí cho biết Bănglađéthiện dang chuẩn bị ký kết một thỏa thuận lâu dài với Việt Nam về việc nhập khẩu gạo từ nước xuất khẩu khảo lớn thứ hai thế giới này. Theo đó, Bănglađétsẽ nhập khẩu 300.000 đến 500.000 tấn gạo từ Việt Nam mỗi năm.

Bộ trưởng Bộ Lương thực thực phẩm cho biết Bănglađét sẽ nhập khẩu 800.000 tấn ngũ cốc vào thời điểm từ tháng 12 năm nay cho tới tháng 1 năm sau, trong số đó có 400.000 tấn gạo và 200.000 tấn lúa mỳ. Ông cho biết thêm khoảng 300.000 tấn gạo và 200.000 tấn lúa mỳ sẽ được nhập khẩu từ Ấn Độ, một số chuyến hàng chở gạo và lúa mỳ đã được hoàn tất. Bộ trưởng cho biết chính phủ đã quyết định nhập khẩu lương thực nhằm tăng dự trữ và giữ giá trong tầm kiểm soát.

Ấn Độ chưa chắc sẽ xuất khẩu ngũ cốc (lúa mì và gạo) trong tương lai gần bởi họ cần gia tăng lượng dự trữ đệm. Cơ quan Thu mua Ngũ cốc quốc gia, Food Corp. sẽ mua trên 32 triệu tấn gạo từ người trồng lúa trong nước, so với mức 31,47 triệu tấn năm trước.

Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế cho rằng Trung quốc, Ấn Độ và những nước khác có lượng dự trữ ngũ cốc lớn sẽ phải xuất hàng dự trữ ra để làm dịu lại các thị trường nông sản – đang tăng giá rất nhanh, gây nguy cơ đói trên phạm vi toàn cầu.

Hồi tháng 6/2008, giá lương thực tăng lên mức cao kỷ lục đã gây ra bạo loạn ở nhiều quốc gia như Haiti và Ai Cập. Giá sau đó đã giảm xuống trong nửa cuối năm 2008.

Tháng 10 vừa qua, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc lại cho biết chỉ số giá thực phẩm đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Giá ngô, lúa mì và đậu tương tại Chicago đều tăng ít nhất 18% trong năm nay do sản lượng giảm và nhu cầu tăng từ Châu Á.

Chi phí nhập khẩu thực phẩm toàn cầu sẽ lên tới 1,026 nghìn tỷ USD trong năm nay, so với chỉ 893 tỷ USD năm ngoái và 1,031 nghìn tỷ USD năm 2008. Thế giới sẽ đương đầu với một giai đoạn “khó khăn hơn” nếu sản lượng những lương thực quan trọng không tăng vào năm tới.

FAO cho biết nhu cầu thực phẩm khác trên toàn cầu như sữa và thịt cũng đang gia tăng. Việc giá ngũ cốc, đường và hạt có dầu tăng mạnh trong những tháng gần đây là do lo ngại về chi phí gia tăng vào năm tới.

Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực cho biết năm 2008, giá năng lượng tăng, nhu cầu nhiên liệu tăng, đồng USD mất giá và những hạn chế thương mại là những lý do chính làm gia tăng chi phí lương thực, dẫn tới khủng hoảng. Gạo thái trắng loại B 100% vào tháng 5/2008 giao dịch ở mức 1.038USD/tấn. Tuần trước, giá loại gạo này là 551USD/tấn, cao hơn 15% so với cuối tháng 6/2010.

Giá xuất khẩu gạo Thái Lan - được dùng tham khảo cho toàn Châu Á – đã tăng 20% từ mức thấp hồi tháng 7 năm nay bởi lũ lụt ở Pakistan, Thái Lan và Việt Nam – 3 nước xuất khẩu lớn nhất khu vực, trong khi thời tiết nóng làm hạn chế sản lượng ở Mỹ.

Chỉ số giá gạo của FAO – 16 giá xuất khẩu của những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới – đã tăng 50 điểm kể từ tháng 6 lên mức 260 điểm vào tháng 11, mức cao nhất trong năm nay, bởi giá gạo Thái Lan và Việt Nam tăng.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo Trung quốc, nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, sẽ nắm giữ khoảng 44% tổng lượng dự trữ gạo toàn cầu vào cuối năm marketing này. Ấn Độ, nước sản xuất lớn thứ 2, sẽ nắm giữ 20%.

Theo tổ chức quản lý tài sản Duxton Asset Management Pte, giá gạo, loại thực phẩm thiết yếu đối với hơn 3 tỷ người trên thế giới, sẽ có thể tăng gấp 3 trong 10 tháng tới bởi nguồn cung hạn chế do lũ lụt tại Thái Lan và nhu cầu gạo tăng cao.

Ông Ed Peter, giám đốc điều hành của Duxton Asset Management, cho rằng: “Mức tăng của giá vàng sẽ cao hơn nhiều so với cổ phiếu.”

Ngân hàng Deutsche Bank AG năm 19% cổ phần của Duxton Asset Management.

Như vậy, nếu dự báo của ông Peter trở thành sự thật, giá gạo sẽ lên vượt mức đỉnh cao vào thời kỳ khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008 đã gây ra nhiều bất ổn xã hội.

Ông Kiattisak Kanlayasirivat, chuyên gia tại tổ chức Novel Commodities SA chuyên giao dịch gạo, cho rằng nông dân sẽ có thể trồng gạo nhanh chóng ngay khi lũ lụt giảm bớt.

Ông cho rằng: “Việc giá gạo tăng từ 10 đến 20% đã quá nhiều chứ không nói đến việc tăng gấp đôi hay gấp ba.” Quỹ của ông giao dịch khoảng 1,5 triệu tấn gạo/năm.

Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc mới đây đã điều chỉnh giảm gần 6,5% mức dự báo về sản lượng lúa thế giới năm 2010 xuống 697,9 triệu tấn, do thời tiết xấu ảnh hưởng tới vụ mùa ở Châu Á. Tuy nhiên theo FAO, sản lượng gạo toàn cầu - sẽ đạt 465,4 triệu tấn - vẫn cao hơn 2% so với vụ 2009.

Dự báo của FAO cao hơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). USDA cho rằng sản lượng gạo thế giới năm nay sẽ đạt 451,4 triệu tấn, thiếu 1,1 triệu tấn so với nhu cầu và là năm thiếu hụt đầu tiên trong vòng 4 năm.

FAO điều chỉnh giảm mức dự báo về sản lượng của Trung Quốc và Ấn Độ do hạn hán và lũ lụt. Tuy nhiên, sản lượng của Ấn Độ vẫn được đánh giá là cao hơn nhiều so với năm ngoái.

FAO cho rằng chính sách của các chính phủ sẽ tiếp tục có vai trò quan trọng quyết định xu hướng giá gạo.

Sản lượng ở Ấn độ hồi phục sẽ góp phần nâng sản lượng của Châu Á tăng lên mức 631,4 triệu tấn (lúa), cao hơn 3% so với năm 2009.

Sản lượng lúa ở Châu Phi sẽ tăng 1% lên 24,6 triệu tấn trong vụ này, chủ yếu nhờ sản lượng tăng ở Tây Phi mặc dù giảm mạnh ở Ai Cập, Benin, Malawi, Mozambique và Rwanda. 

Sản lượng của Mỹ Latinh và Caribê sẽ giảm 6% xuống 26,5 triệu tấn trong năm 2010, chủ yếu đến từ Brazil.

Ở những khu vực khác, triển vọng sản lượng của Liên minh Châu Âu không khả quan, trong khi Mỹ sẽ có vụ kỷ lục và Austrlia sẽ hồi phục sản lượng.

Dự trữ gạo thế giới năm marketing 2010 – 2011 có thể tăng 5% lên 136,2 triệu tấn, mức cao nhất kể từ 2002, nhờ dự trữ ở các nước xuất khẩu gạo tăng, nhất là Trung quốc,Ââns Độ và Mỹ.

Trong số các nước nhập khẩu, dự trữ của Bangladesh, Indonesia, Sri Lanka và Liên minh Châu Âu cũng sẽ tăng.

(Vinanet)