menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hoá thế giới tháng 2/2010

10:16 01/03/2010

Chỉ số CRB tăng 3,5% trong tháng 2/2010, so với mức giảm 6% của tháng 1; Giá dầu thô tăng 10% trong tháng 2; Giá đường có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2006.
  
  

(Vinanet) Chỉ số CRB tăng 3,5% trong tháng 2/2010, so với mức giảm 6% của tháng 1; Giá dầu thô tăng 10% trong tháng 2; Giá đường có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2006.

Giá hàng hoá trên thị trường thế giới tăng trở lại trong tháng 2 sau khi sụt giảm tháng trước đó, với giá dầu mỏ tăng gần 10% và các nguyên liệu thô khác cũng đồng loạt tăng. Tuy nhiên giá đường lại mất tới 20% giá trị và là tháng sụt giảm nghiêm trọng nhất kể từ tháng 8/2006.

Chỉ số CRB của 19 loại nguyên liệu thô giao kỳ hạn tăng 3,5% trong tháng vừa qua. Tháng 1, chỉ số này giảm 6% và là tháng giảm mạnh nhất trong vòng 14 tháng trở về trước.

Mặc dù giá hàng hoá tăng ấn tượng trong tháng 2 tuy nhiên nhiều cơ quan phân tích kinh tế lại cho rằng hàng hoá sẽ sụt giảm trong tháng 3 nếu Trung Quốc và các nước khác tiếp tục các biện pháp thắt chặt tín dụng và USD tăng giá hơn nữa so với Euro.

Dầu thô

Giá dầu thô tại Mỹ, mặt hàng có ảnh hưởng mạnh nhất đến chỉ số CRB, đã có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 5 năm ngoái, nhờ những thông tin kinh tế lạc quan hơn cùng các yếu tố cung cầu có lợi hơn so với tháng 1.

Phiên làm việc cuối cùng của tháng 2, chính phủ Mỹ công bố thông tin cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng 5,9% trong quý 4/2009, cao hơn con số 5,7% công bố trước đó, làm tăng triển vọng nhu cầu dầu mỏ tại quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới.

Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York đã tăng 1,49 USD trong ngày 26/2 và tăng tổng cộng 6,77 USD trong tháng 2, chốt tháng ở 79,66 USD/thùng.

Kể từ tháng 10 năm ngoái, khoảng giá của dầu thô đựơc duy trì từ 69 đến 84 USD/thùng, tuy nhiên mốc 80 USD là một ngưỡng kháng cự rất quan trọng, nhất là sau khi USD trở nên mạnh lên so với Euro.

Sự biến động của USD là yếu tố quan trọng nhất đối với sự biến động của giá hàng hoá bởi hầu hêt các nguyên liệu thô đều được định giá bằng đồng tiền này.

Đường

Giá đường thô tại Mỹ trong tháng 2 đã sụt giảm mạnh, có phiên giá giảm mạnh nhất trong 2 năm trở lại đây, sau khi leo lên mức cao nhất 29 năm trước đó. Tại sàn giao dịch hàng hoá kỳ hạn New York, giá đường giao tháng 5 đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 2 ở 23,60 Uscent/lb - mức giá đóng cửa thấp nhất trong hai tháng rưỡi qua.

Thông tin từ hãng tin Reuters cho thấy, giá đường trong tháng 2 giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2006 khi mất tới 19,86% giá trị.

Khởi đầu tháng 2, giá đường thô giao dịch ở 30,40 cent - mức cao nhất của 29 năm qua. Mặt hàng này có ngày mất giá lớn nhất trong 2 năm qua hôm 22/2.

Bông

Giá bông đã leo lên mức cao nhất gần 2 năm qua trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2 do hoạt động mua vào mạnh mẽ của các quỹ đầu tư. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng sự leo thang của giá chủ yếu là do đầu cơ chứ không phải nhu cầu thực tế.

Giá bông giao tháng 5/2010 tăng 1,29 cent trong phiên 26/2 lên 82,46 US cent/lb, khoảng giá trong ngày dao động từ 80,66 – 82,58 cent/lb - mức cao nhất kể từ tháng 3/2008.

Như vậy, trong tháng vừa qua, giá bông kỳ hạn đã tăng 16,75% từ mức đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 1 ở 70,63 cent/lb. Đây cũng là màn trình diễn ấn tượng nhất kể từ giai đoạn tháng 2 sang tháng 3 năm 2008 khi giá leo từ 66 cent lên 91 cent/lb.

Các nhà phân tích thị trường cho rằng, hoạt động đầu cơ là yếu tố cơ bản khiến giá bông leo thang trong tháng 2. Ngoài ra, nguồn cung suy yếu cũng là động lực tốt cho giá đi lên. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước này đã bán 171.300 kiện bông trong tuần trước, so với 373.400 kiện của tuần trước đó và 600.000 kiện vài tuần trước.

Ngũ cốc

Giá ngũ cốc giao kỳ hạn đồng loạt tăng trên thị trường thế giới trong tháng 2, với lúa mì tăng 6,9%, đậu tương tăng 4% và ngô tăng 6%.

Tomm Pfitzenmaier thuộc Summit Commodity Brokerage ở Des Moines, Iowa nhận xét, giá ngũ cốc luôn theo sự biến động của USD. Ngoài ra, sự hồi phục của giá vàng và dầu thô cũng hỗ trợ tốt cho giá ngũ cốc.

Giá lúa mì đen tại Chicago (CBOT) giao tháng 3 tăng 16-3/4 cent trong phiên 26/2 lên 5,06-1/2 USD/bushel. Giá ngô tại CBOT tăng 5 -3/4 cent lên 3,78 USD/bushel và tăng 5% trong cả tuần - tuần tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 15/11/2009 khi giá tăng 6,4%. Giá đậu tương tại CBOT giao tháng 3 tăng 9-1/2 cent trong phiên cuối tháng 2 lên 9,51 USD/bushel.

Các nhà phân tích cho rằng, xu hướng mua sẽ tiếp tục trong những ngày đầu tháng 3 và hỗ trợ tốt cho giá ngũ cốc.

Nguồn:Vinanet