menu search
Đóng menu
Đóng

Thị trường hàng hóa trong nước ngày 22/7/2014

11:36 22/07/2014
Giá sữa đã giảm đến 26,37%;Giá lúa tiếp tục tăng ;Giá cà phê trong nước tăng 300 ngàn đồng/ tấn...

Giá sữa đã giảm đến 26,37%

Bộ Tài chính cho biết, hiện đã có 469 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố công khai giá bán buôn tối đa, giá bán lẻ tối đa trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Sở Tài chính các địa phương.

Giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện đã giảm khoảng từ 0,3 - 26,37% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Trong đó, 5 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn (khoảng 90%) đã xác định giá bán buôn tối đa, đăng ký giá với cơ quan quản lý giá đối với 176 mặt hàng, mức giá bán buôn giảm từ 6,7 - 26%.

Giá lúa tiếp tục tăng

Tại  Long An, giá lúa khô tiếp tục tăng 100 đ lên 5.700 đ/kg, gạo nguyên liệu loại 2 đứng trong khi loại 1 tăng 200 đ lên 7.600 đ/kg, gạo thông dụng tăng 500 đ lên 10.500 đ/kg.

Giá gạo thơm XK trở lại mức trên 600 USD/tấn. Sau một thời gian dài giảm xuống dưới 600 USD/tấn, thậm chí có thời điểm còn xuống dưới 500 USD/tấn, trong nhiều tuần qua, giá gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam đã tăng liên tục.

Đến cuối tuần rồi, giá gạo thơm xuất khẩu đã tăng lên mức 595 - 605 USD/tấn. Bên cạnh đó, giá các loại gạo xuất khẩu khác cũng liên tục tăng, gạo 5% tấm hiện đã ở mức 430 - 440 USD/tấn, gạo 25% tấm 385 - 395 USD/tấn.

Giá gạo XK tăng đã tiếp tục kéo giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL tăng cao.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa khô tại kho loại thường hiện ở mức 5.550 - 5.650 đ/kg, loại hạt dài 5750 - 5.850 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu làm gạo 5% tấm hiện ở mức 7.150 - 7.250 đ/kg. Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu hiện khoảng 8.600 - 8.700 đ/kg, gạo 15% tấm 8.100 - 8.200 đ/kg và gạo 25% tấm 7.650 - 7.750 đ/kg.

Giá cà phê trong nước tăng 300 ngàn đồng/ tấn

Tiếp tục đà tăng giá của phiên giao dịch cuối tuần trước, hôm nay (22/07), giá cà phê tại thị trường Việt Nam và thế giới đều tiếp tục tăng.  Giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên tăng 300 ngàn đồng/ tấn lên mức 39,2- 39,8 triệu đồng/ tấn.

Bánh trung thu chào hàng sớm

Mặc dù còn gần hai tháng nữa mới tới Tết Trung thu nhưng trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, bánh trung thu đã được bày bán.

Tại một cửa hàng Kinh Đô trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), vẫn hướng đến các dòng sản phẩm truyền thống mang chủ đề trăng, thương hiệu này tung ra hộp bánh có mức giá cao nhất lên tới gần 3 triệu đồng với 10 bánh kèm thêm trà các loại. Dòng bánh bình dân vẫn ở mức từ 38.000-68.000 đồng/bánh với các loại nhân trái cây, thịt, lạp xưởng các loại... Tương tự, tại nhiều khu vực như Cộng Hòa (Q.Tân Bình), Quang Trung (Q.Gò Vấp)... nhiều thương hiệu bánh như Bibica, Đồng Khánh, Hữu Nghị... cũng tung ra thị trường khá sớm các dòng bánh truyền thống.

Mức giá trung bình vẫn ở mức 35.000-65.000 đồng/bánh. Nhiều điểm bán cho hay thời điểm này chủ yếu vẫn là quảng bá, bán sỉ, còn bán lẻ không đáng kể. Ghi nhận thị trường chung cho thấy không có nhiều sản phẩm mới, độc đáo xuất hiện mùa Trung thu năm nay.

Giá các hộp bánh cũng cao hơn năm trước từ 5-10% tập trung vào các dòng sản phẩm cao cấp, trong khi các loại bánh bình dân vẫn giữ mức giá tương đương so với năm ngoái.

Hàng hiệu xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam

Tuy nằm trong cụm các quốc gia nghèo nhưng Việt Nam lại đang là thị trường được các nhà cung cấp hàng hiệu chú ý đến.

Chưa có bất kỳ số liệu nào để cân đo giá trị của nhóm hàng hiệu tại thị trường Việt Nam nhưng trong khoảng năm năm trở lại đây, nhóm hàng hiệu nổi tiếng trên thế giới ngày càng xuất hiện dày hơn tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

Có thể khẳng định, những thương hiệu lớn trên thế giới đều đã có mặt chính thức tại thị trường Việt Nam. Tại TP.HCM, trên các con đường Lê Lợi, Hàm Nghi, Nguyễn Huệ... (quận 1) hoặc các trung tâm thương mại như Cresent Mall, Vincom A/B, Parkson Plaza, Diamond Plaza..., các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như: Hermès, Versace, Chanel, Esprit, Cartier, Louis Vuitton, Burberry, Lamborghini, Lexus, Giovanni, Vertu, Salvatore Ferragamo, Gucci, Ralph Lauren, CK, Diesel, Lacoste, Guess, Infinity, Mobiado, Tag Heuer, Dior, Shiseido, BMW... đã “sáng đèn”. Ban đầu, nhóm hàng hiệu chỉ xuất hiện ở các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, đồng hồ, giày dép, thể thao..., sau đó là xe hơi, điện thoại di động..., gần đây là nhóm hàng điện tử, điện gia dụng.

Không nhộn nhịp như những cửa hàng bình dân, những cửa hàng sang trọng này thỉnh thoảng mới có khách đến từ những chiếc xe hơi xa xỉ, hoặc ít nhất cũng là những chiếc xe gắn máy đắt tiền. Nhiều người tiêu dùng ngờ vực sự tồn tại của những cửa hàng chuyên bán hàng hiệu, nhưng chỉ cần một vài đơn hàng trong tháng đã giúp hệ thống này tồn tại! Những ai “bạo gan” bước đến những nơi này, không thể không “tròn xoe mắt” khi giá của giỏ xách hiệu Louis Vuitton có giá dao động từ 1.000 – 6.000 USD/cái, đồng hồ Cartier có giá từ 5.000 – 50.000 USD/cái, giỏ xách Chanel có giá từ 1.000 – 8.000 USD/cái, điện thoại Vertu giá từ vài trăm triệu đồng cho đến vài tỉ đồng… Với mức giá trên, thu nhập hàng tháng ít nhất từ 100 triệu đồng mới có cơ hội sử dụng.

Tồn tại song song với các cửa hàng “offline”, gần đây sản phẩm hàng hiệu, chủ yếu là nhóm hàng túi xách, giày dép, mỹ phẩm... còn xuất hiện dưới hình thức nguồn hàng xách tay được bán qua mạng. Theo một nguồn tin chuyên kinh doanh hàng hiệu qua mạng cho biết, chỉ cần người mua đặt hàng, người bán sẵn sàng bán với giá rẻ hơn hàng bán ở các cửa hàng từ 5 – 10% mà vẫn có lãi, là do người bán tận dụng chính sách hoàn thuế tại một số quốc gia như Singapore, Đài Loan, Pháp...; chưa kể đến những khoản tiết kiệm từ tiền thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng, và cả tiền thuế. Để kinh doanh hàng hiệu trên mạng, người bán phải giữ được chữ tín thông qua chất lượng hàng hoá, giá cả với khách hàng, dần dần tạo được những khách hàng ruột và thái độ chăm sóc khách hàng 24.7.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn:Vinanet